Môi trường

Kiến nghị chấm dứt nạn ăn thịt “tiểu hổ” ở Việt Nam

Mỗi năm có khoảng một triệu con mèo bị buôn bán và giết mổ ở Việt Nam. Đây là số liệu vừa được Tổ chức Bảo vệ động vật toàn cầu (FOUR PAWS) công bố. Cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 (được cho là xuất phát từ việc giết mổ động vật ở Vũ Hán, Trung Quốc) đã khiến tổ chức này tin rằng việc giết thịt mèo tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang đến dịch bệnh nguy hiểm cho con người…

An nguy đối với sức khỏe cộng đồng

Cho đến giờ, chưa có một căn cứ nào để xác định nguồn gốc chính xác của thói quen ăn thịt mèo tại Việt Nam. Về mặt lịch sử, Việt Nam từng trải qua các cuộc chiến tranh và nạn đói, do đó có quan điểm cho rằng, việc sử dụng các loài động vật, bao gồm cả chó và mèo làm thức ăn đã trở thành thói quen.

Dưới góc độ văn hoá ẩm thực và tâm linh, nhiều người cho rằng thịt mèo không những là món ăn ngon mà còn có giá trị như một vị thuốc, một công cụ hoá giải vận đen, tương tự như khi ăn thịt chó.

Hậu quả là, mỗi năm có hơn một triệu con mèo bị giết để lấy thịt ở Việt Nam, Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS và Tổ chức Thay đổi vì động vật (Change For Animals Foundation) cho hay trong bản báo cáo mới công bố vào tháng 8/2020 có tên là “Nạn buôn bán thịt mèo tại Việt Nam: Những nạn nhân thầm lặng”.

Con số hơn một triệu con mèo bị giết để lấy thịt trên toàn quốc Việt Nam mỗi năm bao gồm cả mèo hoang, đi lạc và cả những con mèo nuôi nhưng bị bắt trộm …

Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là xuất phát từ nguồn lợi nhuận hấp dẫn của ngành kinh doanh thịt mèo. Theo báo cáo nói trên, thịt mèo sống thường được bán với giá 150.000 đồng/kg, trong đó giá mèo đen cao hơn, khoảng 200.000 đồng/kg. Giá cả cũng có thể tăng cao hơn tuỳ ngày của lịch âm, do thói quen mê tín dị đoan của người dân: ăn mèo cuối tháng để giải đen.

Các cuộc điều tra của FOUR PAWS và Change For Animals Foundation xác định Hà Nội và tỉnh Thái Bình là những điểm nóng về thịt mèo ở miền Bắc, với mạng lưới rộng lớn bao gồm hàng trăm nhà hàng, khu vực nuôi nhốt và lò mổ. Ngoài ra còn có  Đà Nẵng, Hội An và TP. Hồ Chí Minh. Mèo được thu gom vào các khu vực tập kết mất vệ sinh, bị giết mổ bằng cách thức dã man trước khi trở thành món “tiểu hổ” khoái khẩu trên bàn nhậu của thực khách.

Thông thường, các nhà hàng thu mua mèo hoang để giết thịt nhưng điều đáng nói ở đây là một số nơi mua trực tiếp từ những kẻ trộm mèo và tự giết mổ tại cơ sở của họ bất chấp nguồn gốc từ đâu khiến cho nạn trộm mèo nuôi cũng vì thế mà ngày càng gia tăng

Cần có chế tài xử phạt

Mèo đã trở thành con vật nuôi phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người coi mèo là một người bạn, là thành viên của gia đình. Nên thỉnh thoảng chúng ta lại chứng kiến những cuộc đụng độ bạo lực xảy ra giữa kẻ trộm mèo và những chủ vật nuôi, thậm chí gây chết người.

Có thể thấy rằng, nạn buôn bán và giết mổ mèo không chỉ là mối đe dọa đối với quyền lợi động vật mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh dại và các bệnh lây truyền với sức khỏe con người, trực tiếp gây  mất an toàn xã hội (do kẻ trộm mèo vi phạm quyền lợi của chủ vật nuôi).

Mỗi năm có hơn 1 triệu con mèo bị bắt và giết thịt ở Việt Nam, trong đó có cả mèo bị bắt trộm.

Điều này trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, gây nên hậu quả nặng nề về người và của trên khắp toàn cầu. Tổ chức FOUR PAWS và Change For Animals Foundation tin rằng nếu virus SARS-CoV2 xuất hiện từ tình trạng giết mổ động vật mất vệ sinh ở chợ Vũ Hán (Trung Quốc) thì tình trạng tương tự với con virus khác cũng có thể xảy ra đối với việc buôn bán, giết mổ và ăn thịt mèo.

Trên cơ sở báo cáo vừa công bố, hai tổ chức FOUR PAWS và Change For Animals Foundation đã  kêu gọi chính phủ Việt Nam khôi phục các luật trước đây, nghiêm cấm việc buôn bán thịt mèo, đồng thời thực thi và củng cố các luật hiện hành để bảo vệ sức khỏe con người và động vật, cũng như bảo vệ vật nuôi của người dân không bị đánh cắp.

Sở dĩ nói “khôi phục các luật trước đây” là vì hành vi bắt mèo, giết thịt mèo đã từng bị cấm trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Tại Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg ngày 18/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ về "Các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng", có nêu rõ nội dung chỉ đạo: “…thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán ăn bằng thịt mèo (tiểu hổ), xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo, vận chuyển mèo và buôn bán mèo qua biên giới…”, xử lý thật nghiêm “việc săn bắt trộm, vận chuyển và buôn bán mèo qua biên giới, các cửa hàng đặc sản về thịt mèo”.

Chỉ thị nói trên đến 02/01/2020 mới hết hiệu lực, nhưng  nạn buôn bán, giết thịt mèo trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra trong suốt nhiều năm qua.

Trước đó, với mục đích chấm dứt bền vững nạn buôn bán thịt chó và mèo ở Đông Nam Á, FOUR PAWS cũng đã phát động một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia tại Việt Nam, Campuchia và Indonesia.

“Thông qua công tác giáo dục và hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, cộng đồng địa phương và ngành du lịch, FOUR PAWS kêu gọi các Chính phủ ở Đông Nam Á ban hành, củng cố và thực thi luật bảo vệ động vật, nhằm chấm dứt nạn đánh bắt, giết mổ và tiêu thụ chó và mèo. Điều này sẽ không chỉ bảo vệ động vật, mà còn cả con người trước những rủi ro về sức khỏe cộng đồng”, Tiến sĩ Karanvir Kukreja - Giám đốc Dự án Chiến dịch Chấm dứt nạn buôn bán thịt chó mèo của FOUR PAW - cho biết.

B. Yến