Hồ sơ

Kiên Giang: Xử phạt 38 cơ sở kinh doanh hàng giả vi phạm gần 1 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT phát hiện và xử lý 38 cơ sở kinh doanh vi phạm, phạt tiền 901.242.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 889.870.000 đồng.

Ngày 29/6, thông tin từ Cục QLTT Kiên Giang, sơ kết thực hiện Kế hoạch 888 trong 6 tháng đầu năm 2023 đơn vị đã phát hiện và xử lý 38 cơ sở kinh doanh bày bán công khai hàng hóa vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phạt tiền 901.242.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 889.870.000 đồng.

Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT Kiên Giang khám kho chứa hàng hóa, phát hiện và tạm giữ hàng trăm thùng nhớt, dầu nhờn có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp. (Ảnh: QLTT)

Thực hiện Quyết định số 1172/QĐ-CQLTT ngày 15/12/2022 của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Kiên Giang ban hành Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT Kiên Giang đã chỉ đạo các Đội QLTT bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm, chủ động xây dựng Chương trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, các Đội QLTT trực thuộc Cục đã rà soát địa bàn, theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình mua bán, vận chuyển, tập kết hàng hóa của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm.

Qua đó đã tiến hành kiểm tra các cơ sở hoạt động thương mại truyền thống, phát hiện và xử lý 38 cơ sở kinh doanh bày bán công khai hàng hóa vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phạt tiền 901.242.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 889.870.000 đồng, trong đó hàng hóa vi phạm chủ yếu là các mặt hàng thời trang như mắt kính, giày dép, túi xách, … ngoài ra còn có một số hàng hóa khác như phân bón, bột trét tường, …

Lô hàng có dấu hiệu vi phạm bị kiểm tra. (Ảnh: QLTT)

Thời gian tới, Cục QLTT Kiên Giang tiếp tục bám sát các mục tiêu trong Kế hoạch 1172, tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh, xử lý vi phạm, đẩy mạnh rà soát, thống kê địa bàn, tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết, giám sát các cơ sở kinh doanh đã xử lý không để xảy ra tình trạng tái phạm.

Đồng thời theo dõi, cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các đối tượng hoạt động kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử.