Sự kiện

Kiên Giang: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch họp đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn và biện pháp để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 11/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Kiên Giang tổ chức họp đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời đề ra các biện pháp để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian tới.

Tính đến ngày 8/8, toàn tỉnh Kiên Giang có 152.017 ca mắc Covid-19 mới và 1.075 ca tử vong. Đáng lo ngại là trong một tháng qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 338 ca mắc mới, bình quân mỗi ngày phát hiện 11 ca, cao nhất phát hiện 34 ca.

Trên địa bàn Kiên Giang còn ghi nhận 38 trường hợp mắc biến thể BA.5, Delta... Hầu hết các trường hợp mắc đều là thể nhẹ, ít triệu chứng, được quản lý, điều trị tại nhà.

Quang cảnh buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Kiên Giang.

Hiện, toàn tỉnh các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 có 53 bệnh nhân, trong đó có 36 bệnh nhân ở tầng 1, 15 bệnh nhân ở tầng 2 và 2 bệnh nhân ở tầng 3, không có bệnh nhân thở máy.

Từ đầu năm 2022 đến ngày 8/8, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 2.229 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó số ca sốt xuất huyết nhẹ và có dấu hiệu cảnh báo 2.114 ca, số nặng 115 ca, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4 lần. Số ca mắc sốt xuất huyết nhiều tập trung các huyện, thành phố Phú Quốc, Rạch Giá, Châu Thành, Giồng Riềng và Hòn Đất.

Đến thời điểm này, bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 732 trường hợp mắc, giảm 3% so cùng kỳ, không ghi nhận số ca tử vong. Tuy nhiên ở hai huyện Gò Quao và Giồng Riềng tăng hơn 30% so cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình diễn biến các dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết diễn ra tương đối cao, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Kiên Giang chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động nguồn lực cho các hoạt động can thiệp phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời.

Tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết. Đẩy mạnh xử lý các ổ dịch, như phun hóa chất chủ động, dập dịch diện rộng tại các địa phương nguy cơ bùng phát dịch. Củng cố hoạt động giám sát, tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch tuyến huyện, tuyến xã về các hoạt động, quy trình phòng, chống sốt xuất huyết.

Song song công tác phòng, chống các dịch bệnh, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm, kiên quyết không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngặn chặn bệnh sốt xuất huyết và phòng ngừa các loại dịch bệnh phức tạp khác. 

Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong 6 tháng cuối năm 2022 nhằm tạo nền tảng ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, nếu địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và dập dịch sốt xuất huyết, không để hình thành ổ dịch mới.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho rằng, thời gian qua tỉnh kiểm soát khá tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; tạo điều kiện tốt kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân ổn định.

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch vẫn còn khó khăn với sự xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh phát sinh…

Thời gian tới, trong công tác phòng, chống dịch bệnh phải đặt mục tiêu tính mạng con người là trên hết. Vì vậy, lãnh đạo ngành, địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan lơ là, kiên quyết không để dịch bùng phát trở lại.

Địa phương, đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ tiêm chủng, ngăn chặn dịch bệnh, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm với đảng bộ và cấp ủy cấp trên; xem đây là một trong những nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.