Bất động sản

Kiên Giang: Gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện chậm, nhất là các dự án giao thông, do chưa xử lý dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ngày 9/5, thông tin từ UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh Kiên Giang đang tập trung giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công, sớm thi công hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Cụ thể là dự án đường ven biển Rạch Giá – Hòn Đất dài 20,8km. Đoạn thuộc địa bàn huyện Hòn Đất có 56 tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng, với diện tích đất bị thu hồi hơn 52.595m².

Hiện tại, còn 3 hộ dân đang sử dụng đất do Ban quản lý rừng Kiên Giang quản lý, nhưng các hộ dân có quá trình sử dụng đất ổn định trước thời điểm tỉnh giao đất cho ban quản lý. Quá trình sử dụng đất của ban quản lý đến nay chưa bồi thường, hỗ trợ về đất đai, hoa màu, vật kiến trúc trên đất cho các hộ dân này.

Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang đề nghị ban quản lý rừng đẩy nhanh thủ tục điều chỉnh phần diện tích bị ảnh hưởng của 3 hộ dân trong khu vực thực hiện dự án ra khỏi rừng để thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định.

Tỉnh Kiên Giang đang gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, dự án nâng cấp mở rộng đường Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối đường trục Nam – Bắc trên địa bàn thành phố Phú Quốc, với tổng diện tích thu hồi đất hơn 149.763m².

Hiện tại, dự án này còn 15 hộ dân chưa thống nhất phương án hỗ trợ, chưa nhận tiền còn khiếu nại về giá đất và chính sách đã phê duyệt.

Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang đề nghị thành phố Phú Quốc ban hành thông báo thu hồi đất mở rộng sau khi điều chỉnh bổ sung địa điểm thu hồi đất vào kế hoạch sử dụng đất 2024 để tiếp tục triển khai công tác lập phương án bồi thường theo qui định.

Đồng thời, Ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố Phú Quốc tiếp tục vận động người dân nhận tiền bồi thường đối với các hộ đã được duyệt phương án bồi thường.

Ngoài ra, còn có dự án cải tạo, nâng cấp đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy ở U Minh Thượng dài hơn 6,3km đi qua địa bàn huyện U Minh Thượng, với 173 hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án.

Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang đề nghị huyện U Minh Thượng tiếp tục đối thoại vận động hộ dân thống nhất nhận tiền để bàn giao mặt bằng thi công để sớm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.

Mặc khác, trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án, công trình khác vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng như: Công trình cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 80; dự án cầu Mỹ Thái (vượt kênh Rạch Giá – Hà Tiên); dự án cầu 965, huyện U Minh Thượng; công trình Cống âu thuyền T3 – Hòa Điền, huyện Kiên Lương; dự án Bệnh viện Lao, Bệnh viện tâm thần, Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị, trung tâm phòng chống HIV/AIDS tại xã Vĩnh Hoà Hiệp, huyện Châu Thành; dự án nâng cấp, mở rộng đường quanh núi Hòn Me (Hòn Đất)…

Tại các dự án, công trình này, hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất đã nhận tiền bồi hoàn, hỗ trợ và đã bàn giao đất thì còn nhiều hộ dân trong khu vực dự án chưa đồng thuận giá trị bồi hoàn, không nhận quyết định thu hồi đất, không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, không thống nhất với giá đất đã được phê duyệt của dự án, yêu cầu được mua nền tái định cư trả chậm…

Đề xuất biện pháp phù hợp từng dự án

UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất biện pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng từng dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành.

UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương tăng cường phối hợp, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, nhất là tại một số địa phương đang có dự án trọng điểm như: Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành, An Biên, U Minh Thượng, Phú Quốc...

Đề xuất biện pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng từng dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành.

UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức đối thoại, vận động các hộ dân nhận tiền, đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đề ra.

Đồng thời, các địa phương theo thẩm quyền, xem xét, rà soát lập thủ tục cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp không chấp hành.

Ngoài ra, tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan, chủ đầu tư và các huyện, thành phố triển khai và hoàn thành báo cáo kết quả xử lý, giải quyết trong tháng 5/2024.

Các địa phương đề xuất, kiến nghị tỉnh cho khảo sát, điều chỉnh giá đất, xây dựng khu tái định cư để bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.