Tiêu dùng & Dư luận

Kiên Giang: Chuẩn bị hơn 54.580 tấn hàng hóa trong dịp Tết 2024

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, tỉnh dự kiến và chuẩn bị khoảng hơn 54.580 tấn hàng hóa các loại, với tổng trị giá trên 2.630 tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Đa dạng mặt hàng

Theo đó, các mặt hàng thiết yếu, gồm: gạo và lương thực khác; thịt gia súc, gia cầm; dầu ăn, mỡ, nước mắm, nước chấm, bột ngọt; tôm, cá, trứng gia cầm; đường, sữa, bánh, mứt kẹo, chè, cà phê, rượu, bia và đồ uống khác; rau, quả các loại…

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang - ông Trương Văn Minh cho biết, với nguồn hàng nông sản, thủy sản nuôi trồng, khai thác trong tỉnh và hàng thực phẩm chế biến ở các tỉnh, thành trong cả nước kết nối đưa về tỉnh, đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Mạng lưới đại lý thu mua, phân phối, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh phục vụ việc mua sắm của người dân.

Các mặt hàng tươi sống như tôm, cá cũng được chuẩn bị cung ứng người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

"Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ lực trong tỉnh như: Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Kiên Giang, Công ty cổ phần Thương mại Kiên Giang, Công ty cổ phần Thực phẩm đóng hộp Kiên Giang, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang… tỉnh chỉ đạo bảo đảm tiến độ sản xuất, thực hiện dự trữ hàng hóa để kịp thời cung ứng ra thị trường khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa", ông Minh cho biết thêm.

Tăng cường sản xuất, không để thiếu hụt hàng hóa

Các doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường sản xuất, hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong thời điểm gần đến Tết Nguyên đán, giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối, nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Bên cạnh đó, các siêu thị như: Coopmart Rạch Giá, Coopmart Kiên Giang, Coopmart Hà Tiên, CICmart Rạch Sỏi, Mega Market Rạch Giá, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Rạch Giá, hệ thống Winmart, hệ thống Bách hóa Xanh… chủ động nguồn hàng dự trữ, giá cả hợp lý và đúng theo nhà cung cấp đưa ra.

Đồng thời, triển khai các điểm bán hàng bình ổn, nhằm ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh, nhất là mặt hàng thịt lợn, tránh xảy ra tình trạng tăng giá mất kiểm soát thời điểm áp tết.

Các doanh nghiêp, hệ thống này chủ động xây dựng phương án bình ổn thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực nông thôn, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa để cung ứng đủ háng hóa tiêu dùng cho người dân.

Các siêu thị chủ động nguồn hàng dự trữ, giá cả hợp lý và đúng theo nhà cung cấp đưa ra.

Sở Công Thương Kiên Giang theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, đánh giá sức mua… để chủ động phương án, biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây sốt giá, tăng giá đột biến.

Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết và thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định; tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Sở Công Thương Kiên Giang phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường về giá, chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.