Tiêu điểm

Kiểm toán Nhà nước chuyển 8 hồ sơ kinh tế vi phạm sang công an

Từ đầu năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ.

Kiểm toán Nhà nước mới có báo cáo gửi Quốc hội về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 194 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến thời điểm 26/9/2022, trong đó có 188 báo cáo kiểm toán đã phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2022 và 6 báo cáo kiểm toán phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2021 chuyển sang, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 27.737 tỷ đồng.

Trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước 1.466 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 9.003 tỷ đồng và kiến nghị khác 17.268 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”; chuyên đề “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”; chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021”.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, 7 vụ việc qua kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại Tp.Hải Phòng. 7 công ty lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.

1 vụ việc có dấu hiệu trốn thuế của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp - tỉnh Tây Ninh trong việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện sang cơ quan CSĐT để điều tra làm rõ.

Dự kiến, Kiểm toán Nhà nước sẽ hoàn thành 100% kế hoạch năm 2022, trong đó nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm cuối năm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cấp tỉnh năm 2021, trên cơ sở đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2023.

Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cơ quan này dự kiến lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả hiệu lực thực thi chính sách đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn.

Lựa chọn một số chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm về quản lý, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải để thực hiện kiểm toán nhằm đánh giá công tác bảo vệ môi trường: Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018 - 2022; công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định…

Bên cạnh đó, lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025, như Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các công trình trọng điểm, giao thông liên vùng khu vực Tây Bắc, Đồng bằng Bắc bộ; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng và các khu kinh tế, đô thị lớn ven biển…

Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước, 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.