Dân sinh

Kiểm soát thuốc lá lậu phức tạp hơn sau mở cửa biên giới hậu Covid-19

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) vừa qua đã tổ chức hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” tại TPHCM.

Hội thảo nhằm mục đích cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình chống buôn lậu thuốc lá và đề xuất các giải pháp ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này.

Tại hội thảo, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch VTA cho biết trong các năm qua, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ.

Ban Chỉ đạo 389 cùng các lực lượng chức năng đã triển khai hiệu quả các cuộc điều tra biên giới thường xuyên và giám sát thị trường trên toàn quốc, phát hiện thành công nhiều vụ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp.

“Trong hai năm gần đây khi việc lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do tình hình Covid-19, công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể. 

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thử thách đặt ra cho Chính phủ và các lực lượng chức năng trong công tác chống thuốc lá lậu", ông Hồ Lê Nghĩa cho biết.

ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc Lá Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo các diễn giả tại Hội thảo, thực trạng này là do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó phải kể đến đầu tiên là lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của các sản phẩm thuốc lá lậu.

Đơn cử, lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá Jet nhập lậu từ biên giới khoảng 7.000 - 8.000 đồng, cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc.

Các yếu tố khách quan như đường biên giới phức tạp với nhiều đường mòn lối mở, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi.

Những năm gần đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng.

Thuốc lá được nhập khẩu bất hợp pháp vào nước ta không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực kiểm soát, tình hình buôn lậu thuốc lá đã diễn biến phức tạp trở lại kể từ sau thời gian giãn cách xã hội và đặc biệt là sau ngày 15/3, khi Chính phủ quyết định mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế.

Các đối tượng đã lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phòng chống thuốc lá lậu.

Báo cáo của các đại biểu tại Hội thảo cũng chỉ ra, buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu, và tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập khẩu bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc.

Một số lượng khác đi qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc. Đó là chưa kể tới sự xuất hiện và xâm nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ của thuốc lá lậu thế hệ mới trong những năm gần đây.

Tại Hội thảo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các đại biểu đề xuất triển khai giải pháp đồng bộ và toàn diện để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống thuốc lá lậu, bao gồm tăng cường tuyên truyền giáo dục người dân không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; tăng cường nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra và giám sát thị trường ở các tỉnh vùng biên giới; kiến nghị Chính phủ có giải pháp làm việc với nước bạn Campuchia để tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống buôn lậu thuốc lá.

Ngoài ra, các đại biểu cũng yêu cầu minh bạch việc sử Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, đồng thời trích một phần kinh phí trong quỹ này cho công tác phòng chống thuốc lá lậu.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp đề xuất chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để cho các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19, tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường cũng như tạo thêm khoảng trống cho thuốc lá lậu.