Chính sách

Kiểm soát chặt chẽ thuốc thú y chứa chất ma túy, tiền chất

Theo nội dung thông tư, Cục Thú y là cơ quan thu hồi Giấy phép xuất khẩu, Giấy phép nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa tiền chất.

Theo Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), hiện nay, nhu cầu sử dụng tiền chất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là rất lớn.

Theo thống kê, cả nước có gần 1.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh (nhập khẩu, xuất khẩu) tiền chất công nghiệp, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc. Số lượng nhập khẩu hàng năm tăng khoảng 10% so với năm trước.

Năm 2021, số lượng nhập khẩu tiền chất công nghiệp khoảng 640.000 tấn, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc khoảng 15 tấn.

Những năm gần đây, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, nhiều đối tượng phạm tội đã thu gom tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy.

Trước thực trạng trên, so với luật cũ, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của nước ta tiếp tục thực hiện cam kết với quốc tế để kiểm soát tốt các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, góp phần phòng ngừa tệ nạn và tội phạm về ma túy.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý thuốc thú y chứa chất ma túy, tiền chất; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã ban hành Thông tư 13/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư về quản lý thuốc thú y.

Theo đó, Bộ NN&PTNN bổ sung Danh mục thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được cấp Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam gồm 23 loại thuốc và Danh mục chất ma túy, tiền chất là nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất gồm 11 loại.

Thông tư cũng bổ sung quy định miễn trừ, thu hồi Giấy phép xuất khẩu, Giấy phép nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa tiền chất đối với một số trường hợp như:

Miễn trừ cấp Giấy phép xuất khẩu, Giấy phép nhập khẩu thuốc thú y có chứa tiền chất theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Các trường hợp được miễn trừ cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu: Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng; hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp Nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng.

Việc thu hồi Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa tiền chất theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Trường hợp phải thu hồi Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu: Tự ý tẩy xóa, sửa chữa nội dung của Giấy phép; sử dụng giấy tờ giả, cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép; tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép chấm dứt hoạt động.

Cục Thú y là cơ quan thu hồi Giấy phép xuất khẩu, Giấy phép nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y có chứa tiền chất. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy phép có trách nhiệm gửi Giấy phép phải thu hồi đến Cục Thú y trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi.

Người có chứng chỉ hành nghề thú y về chẩn đoán, khám chữa bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh, tiêm phòng cho động vật được phép sử dụng thuốc thú y có chứa chất ma túy để trị bệnh động vật theo đơn; trường hợp không sử dụng hoặc sử dụng không hết, trong vòng 10 ngày phải trả lại cho cơ sở đã bán thuốc thú y.

Cơ sở bán thuốc thú y tiếp nhận và lập biên bản nhận lại thuốc thú y có chứa chất ma túy do không sử dụng hoặc sử dụng không hết từ người sử dụng. Biên bản được lập thành 2 bản (1 bản lưu tại cơ sở bán thuốc, 1 bản giao cho người trả lại thuốc). Chủ cửa hàng căn cứ điều kiện cụ thể để quyết định tái sử dụng hoặc tiêu hủy theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 40 Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý thuốc thú y.

Minh Hoa (t/h)