Chính sách

Kiểm soát cách nào để quyền lực không bị tha hóa?

Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị tha hóa, biến tướng. Vậy làm sao để quyền lực được kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tình trạng lạm dụng quyền lực xảy ra? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thời gian qua, hàng loạt các cán bộ, bao gồm cả cán bộ cấp cao lạm quyền bị đưa ra xử lý, ông đánh giá như thế nào về tình trạng lạm quyền?

Việc hàng loạt các cán bộ, bao gồm cả cán bộ cấp cao lạm quyền bị đưa ra xử lý, điều đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng đấu tranh với những sai trái, tiêu cực. Có thể nói, quyền lực luôn là một mảnh đất màu mỡ, quyến rũ những ai đang có được nó. Thời gian gần đây, ta có thể thấy tình trạng lạm quyền diễn ra ở cả trung ương và địa phương, và đang diễn ra khá phổ biến, nghiêm trọng. Mỗi một cán bộ vi phạm bị xử lý, tôi thấy rất đau lòng, và buồn khi họ không biết kiềm chế bản thân, rèn luyện bản thân trước sự quyến rũ của quyền lực, của lợi lộc.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo ông, tại sao tình trạng lạm quyền lại diễn ra nghiêm trọng như vậy, do khâu lựa chọn cán bộ hay thiếu kiểm tra giám sát?

Nguyên nhân là những cán bộ lãnh đạo ấy được giao quyền lớn, nhưng hệ thống giám sát quyền lực lại không tương xứng. Cấp trên giao quyền cho họ nhưng lại không thực hiện trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động của họ.

Các cán bộ được lựa chọn để giao quyền phải là những người có năng lực và phẩm chất, tư cách đạo đức tốt. Nhưng quan trọng nhất, khi chọn được cán bộ có đủ đức và tài thì quản lý, giám sát như thế nào? Đã giao quyền lực cho cán bộ đến đâu thì phải giám sát quyền lực đến đó. Lựa chọn cán bộ xong thì đi liền với đó phải có cơ chế giám sát, kiểm tra nghiêm túc và chặt chẽ. Nếu không thường xuyên kiểm tra, giám sát thì rất dễ xuất hiện biểu hiện suy thoái, tha hóa quyền lực, lạm dụng chức quyền. Đó là quy luật.

Khi cơ chế kiểm tra, giám sát buông lỏng, cán bộ lạm dụng quyền lực gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, rõ ràng cơ quan tổ chức cán bộ chắc chắn phải có liên quan. Những người đề xuất, đề bạt và quản lý cán bộ đó nhưng lại để họ “hư hỏng” lạm quyền thì những người quản lý đó cũng phải chịu trách nhiệm. Do vậy, những người quản lý cán bộ đó phải là người có đủ năng lực trình độ, phẩm chất cùng dũng khí để kiểm soát những người có quyền lực.

Theo ông, làm sao để quyền lực được kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tình trạng lạm dụng quyền lực xảy ra?

Có thể nói, con người luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, do vậy những cán bộ được giao nhiệm vụ, giao quyền cần phải được lựa chọn kĩ càng đảm bảo đầy đủ các yếu tố năng lực và phẩm chất. Các cán bộ đó, phải là những người có năng lực và phẩm chất, tư cách đạo đức tốt. Bởi khi cán bộ được giao quyền, có quyền lực trong tay thì dễ sa vào sự cám dỗ bởi lợi lộc. Nếu không rèn luyện bản thân, biết kiềm chế thì rất dễ bị tha hóa. Và khi đã giao quyền cho họ thì phải có quản lý, giám sát hoạt động chặt chẽ. Như vậy, đã giao việc cho họ mà để họ tha hóa thì cấp trên phải chịu trách trong kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp dưới và cũng bị xử lý một cách nghiêm khắc.

Đồng thời, xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên. Nếu không tạo dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực thì suy thoái đạo đức trong Đảng của cán bộ, đảng viên, thân hữu hay “khuyết tật” trong Đảng sẽ không thể loại trừ.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ rõ, một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, đó là: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”.

Cũng theo nguyên tắc xây dựng Đảng, Chi bộ có vai trò vô cùng quan trọng. Đảng viên phải tham gia sinh hoạt Chi bộ đầy đủ và chịu sự giám sát của Chi bộ đó. Chi bộ Đảng mà bị tê liệt thì sao giám sát được nữa. Tổ chức Đảng mà không nghiêm túc giám sát cán bộ, thì tổ chức nào thay họ được nữa. Chính vì thế, cần phải tăng cường xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng theo nghị quyết Trung ương  4 khóa XI và XII.

Xin cảm ơn ông!

 

Tại Hội nghị góp ý vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, qua công tác giám sát, kiểm tra, qua các vấn đề liên quan đến sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định; có những đồng chí được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền mà pháp luật chưa có cơ chế kiểm soát. Sử dụng không đúng quyền lực, thẩm quyền, lợi dụng quyền lực dẫn đến chạy chức, chạy quyền. Do đó, phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Nói về vấn đề kiểm soát quyền lực, ĐBQH Triệu Tài Vinh (Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang) đưa ra quan điểm: “Làm sao để kiểm soát quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách có hiệu quả nhất, thông qua đội ngũ cán bộ công chức một cách chuyên nghiệp nhất. Đây là một vấn đề cần đối mặt để giải quyết trong thời gian tới. Trong mỗi Bộ, người đứng đầu là Bộ trưởng, phụ trách lĩnh vực là Thứ trưởng, rồi phía dưới có các Cục trưởng, Vụ trưởng, trong các phòng có các Trưởng phòng. Vậy, vấn đề quyền lực ở đây cần kiểm soát chặt chẽ, khắc phục ngay tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh".