Văn hoá

Kiếm hiệp Kim Dung: Nhân vật không thích học võ nhưng lại trở thành cao thủ

Trong thế giới kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, nhân vật Đoàn Dự từ người không thích học võ đến trở thành một cao thủ võ công có tầm ảnh hưởng lớn.

Đoàn Dự là một trong ba nhân vật nam chính của truyện Thiên long bát bộ là con của Thái tử Đại Lý Đoàn Diên Khánh và Trấn nam vương phi Đao Bạch Phượng và là vương tử nước Đại Lý. Chàng được mô tả có khuôn mặt tựa ngọc, trong sáng nhu hòa, thần tuấn phi phàm, nhìn sơ đã biết chẳng phải người tầm thường.

Về tính cách, là người ghét bạo lực, thẳng thắn, đa cảm nhiều khi hơi gàn. Bản thân cố nhà văn Kim Dung đã từng nhận xét, Đoàn Dự là người thường lưu lại đường lui cho kẻ khác, không hề mang theo tâm kế, lúc nào cũng vui vẻ, thấu tình đạt lý. Ở chàng không có sự lạnh lùng, tàn khốc vô tình của người sinh ra trong gia đình hoàng tộc mà lúc nào cũng si tình, dịu dàng, yêu thích cái đẹp và hết mực thương hương tiếc ngọc.

Mặc dù là con nhà võ nhưng Đoàn Dự lại không thích và không chịu học võ công, dù vậy trong quá trình du ngoạn giang hồ nhờ cơ duyên may mắn nên học được những môn võ công thượng thừa:

Bắc minh thần công: Khả năng hút công lực của người khác, biến kẻ địch thành đồng minh.

Lăng ba vi bộ: Môn khinh công giúp di chuyển nhanh nhẹn và linh hoạt có thể dễ dàng chạy thoát khỏi kẻ thù

Lục mạch thần kiếm: Môn võ công mạnh ngang ngửa thần công Dịch cân kinh của phái Thiếu Lâm, tuy Đoàn Dự không sử dụng thành thạo, lúc dùng được lúc lại không nhưng vẫn có thể khiến các cao thủ khác xanh mặt.

Có thể nói, hầu hết võ công mà Đoàn Dự học được đều trong tình huống bất đắc dĩ và dù các võ công của chàng đều chưa thuần thục, nhưng như vậy cũng đã đủ để Đoàn Dự trở thành một trong số những nhân vật có võ công cao nhất trong tác phẩm Thiên long bát bộ.

Bên cạnh yếu tố võ thuật, Đoàn Dự còn được nhiều người yêu mến bởi tính cách nhân hậu, trượng nghĩa, luôn giúp đỡ người yếu thế. Chàng là minh chứng cho câu nói: "Anh hùng chân chính không chỉ mạnh mẽ, mà còn phải có lòng nhân ái và biết yêu thương”.

Quốc Tiệp