Dân sinh

Đắk Lắk: Kiểm điểm 8 tập thể, 22 cá nhân vì để kho bãi sầu riêng “mọc” tràn lan

Liên quan đến việc để kho bãi sầu riêng “mọc” tràn lan, UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức kiểm điểm đối với 8 tập thể và 22 cá nhân.

8 tập thể và 22 cá nhân bị kiểm điểm rút kinh nghiệm

Ngày 4/3, UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã có kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với các tập thể và cá nhân có liên quan đến việc để các kho bãi chứa sầu riêng xây dựng trái phép trong thời gian qua mà Sở Xây dựng đã chỉ ra trước đó.

Theo đó, có 8 tập thể và 22 cá nhân thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Kinh tế và Hạ tầng; UBND các xã, thị trấn (Phước An, Ea Kênh, Ea Knuếc, Ea Phê, Hoà An, Ea Yông) bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

UBND huyện Krông Pắk cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các khuyết điểm mà Đoàn kiểm tra Sở Xây dựng đã chỉ ra có phần trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan chưa làm tốt công tác quản lý, chưa chủ động trong công tác tham mưu, việc xử lý công trình vi phạm chưa cương quyết, dứt điểm, chậm báo cáo. Từ đó, dẫn đến việc xây dựng kho bãi ồ ạt, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về quản lý trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch đất đai...

Trước những tồn tại mà Sở Xây dựng đã chỉ ra tại kết luận số 2620/KL-SXD ngày 18/10/2023, các tập thể, cá nhân liên quan đã nhận thấy được các khuyết điểm, tồn tại, có tinh thần cầu thị, nghiêm túc nhận trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác tham mưu. Trong quá trình quản lý về trật tự xây dựng, một số tập thể, cá nhân đã chủ động báo cáo, có hướng xử lý khắc phục các khuyết điểm.

Một kho bãi chứa sầu riêng tại huyện Krông Pắk.

Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng kho bãi tăng đột biến nên một số chủ đầu tư biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm vì lợi nhuận thu lại cao hơn so với nộp phạt. 

Yêu cầu xử lý dứt điểm công trình vi phạm

Lãnh đạo các đơn vị khẳng định, những khuyết điểm của tập thể và cá nhân nói trên hoàn toàn là khách quan, không vụ lợi cá nhân.

Theo UBND huyện Krông Pắk, Krông Pắk là thủ phủ sầu riêng được công nhận thương hiệu nên tập trung nhiều thương lái từ khắp nơi về thu mua. Do đó, nhu cầu xây dựng và cho thuê kho bãi càng cao, để bảo quản sản phẩm sầu riêng trong mùa vụ, xuất khẩu đạt tiêu chuẩn và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua.

Nhu cầu kho bãi tại thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk tăng cao. 

Trong khi, huyện Krông Pắk chưa đầu tư xây dựng được cụm công nghiệp (hiện đang trong giai đoạn quy hoạch và kêu gọi đầu tư). Từ đó, dẫn đến việc các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình kho, bãi tăng nhanh với số lượng rất lớn, bất chấp việc vi phạm pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý về trật tự xây dựng tại các địa phương.

Hơn nữa, các chủ đầu tư có vi phạm còn cố tình né tránh, trì hoãn không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính như chậm nộp tiền xử phạt, chưa tự khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm, chưa chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn nể nang trong việc tổ chức áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, do đang trong thời gian cao điểm của mùa vụ sầu riêng, doanh nghiệp và người dân cần có nhà kho để bảo quản, thu mua sản phẩm, qua đó cũng mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách của địa phương.

Mặt khác, việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm cũng sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đến đời sống cũng như tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính, UBND cấp xã có lập biên bản xử phạt, chuyển hồ sơ đến UBND huyện để xử phạt đối với các trường hợp vượt thẩm quyền nhưng các trường hợp bị xử phạt vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thành các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp.

UBND huyện Krông Pắk yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục các khuyết điểm, hạn chế, xử lý dứt điểm những công trình xây dựng không đảm bảo theo quy định của pháp luật, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đối với những công trình đủ điều kiện. Xử lý dứt điểm các công trình không tự tháo dỡ, xây dựng kế hoạch cưỡng chế (nếu có). Chủ động báo cáo các khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết để UBND huyện chỉ đạo xử lý.

Như Người Đưa Tin đã phản ánh, trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của UBND huyện Krông Pắk.

Theo đó, Sở Xây dựng Đắk Lắk đã lập đoàn kiểm tra 169, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 32/632 công trình tại 6 xã, thị trấn dọc quốc lộ 26.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện có 31/32 công trình vi phạm các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng và đất đai. Trong đó, có 18/32 công trình chưa xử lý, 14/32 công trình đã xử lý vi phạm hành chính.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện, thị trấn và các xã chưa có sự quan tâm, phối hợp đúng mức trong việc thường xuyên kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền nên việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm còn chưa được kịp thời và dứt điểm.

Ngoài ra, số liệu báo cáo chi tiết các công trình của UBND các xã, thị trấn cung cấp cho UBND huyện chưa đầy đủ, chưa chính xác và chưa chi tiết. Nhiều xã thậm chí không thực hiện cung cấp số liệu báo cáo để đoàn kiểm tra có cơ sở lựa chọn công trình xây dựng nhằm thực hiện kiểm tra, có dấu hiệu che giấu, bao che cho các công trình vi phạm.

Khánh Ngọc