Tiêu dùng & Dư luận

Kích cầu du lịch nội địa: "Có qua có lại mới toại lòng nhau"

Để phục hồi kinh doanh, trung tâm Du lịch TP.HCM đang đẩy mạnh liên kết với nhiều địa phương. Nhưng thỏa thuận chỉ tốt đẹp khi các bên hết mình hỗ trợ lẫn nhau.

Từ giữa đến cuối tháng 11/2020 sẽ diễn ra chuỗi hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Tây Bắc, Đông Bắc và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Lãnh đạo sở Du lịch và doanh nghiệp của TP.HCM đang chuẩn bị đến làm việc tại TP.Việt Trì (tỉnh Phú Phọ), TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và tỉnh Quảng Nam.

Công tác này được tiếp tục sau khi TP.HCM ký kết cùng phát triển du lịch với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ trước đó.

Để tìm hiểu chi tiết hơn về các thỏa thuận, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM.

Thưa bà, TP.HCM đặt ra mục tiêu như thế nào khi liên tục xúc tiến ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch với nhiều cụm địa phương trong thời gian vừa qua và sắp tới?

Bản chất du lịch là phải phát huy được tính liên kết, liên ngành và liên vùng. Vì vậy, TP.HCM đã xúc tiến việc liên kết với các tỉnh, thành trong nước.

Năm 2019, khởi đầu là kết nối với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Tiếp đó là ký kết với các địa phương Đông Nam Bộ và đang chuẩn bị hợp tác với các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nội dung thỏa thuận gồm 5 lĩnh vực là công tác quản lý Nhà nước, phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến và kêu gọi hợp tác đầu tư. Các hội nghị được tổ chức nhằm phối hợp, tìm ra cách phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị.

Các doanh nghiệp lữ hành phần lớn tại TP.HCM sẽ có cơ hội mở rộng, tìm kiếm sản phẩm du lịch từ các địa phương với sự phong phú, đa dạng hơn. Nhóm các tỉnh, thành cũng sẽ cho nhau những chính sách hợp lý để cạnh tranh tốt hơn. Như vậy, đôi bên đều có lợi, cùng phát triển.

Qua đó, các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương, tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.

Mục tiêu cao hơn là góp phần phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được thành quả ban đầu.

Việc hợp tác với cụm địa phương Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đã ghi nhận những kết quả gì?

Sau khi ký kết liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long từ cuối năm 2019, quá trình triển khai gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhưng bằng nỗ lực hết mình, chúng tôi đã đạt được một số kết quả khả quan. Phát triển sản phẩm đã có đổi mới khi 3 tour mới đã có lượng khách ban đầu. TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành tốt hơn nữa.

Theo thống kê của 5 doanh nghiệp dẫn đầu, số lượng khách từ TP.HCM đến các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt 50 nghìn lượt khách từ khi đẩy mạnh kích cầu và liên kết. Với hiệu ứng từ Ngày hội Du lịch trong tháng 7/2020, tính đến tháng Chín vừa qua, lượng khách đã đạt mức 66 nghìn lượt.

Bước đầu đã có 11% tăng trưởng về số lượng du khách. Tuy không phải là con số kỳ vọng nhưng trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, kết quả này được xem là nỗ lực rất lớn của toàn ngành du lịch.

Đối với sự liên kết du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, các tour đang được khai thác khá tốt. Tuy nhiên, một số địa phương có số lượng khách đến chưa được cân bằng trong cụm 5 tỉnh.

Khi phục hồi kinh doanh, doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM sẽ đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Có ý kiến cho rằng, việc thỏa thuận hợp tác chủ yếu là đưa khách từ TP.HCM đến các địa phương khác. Trong khi lợi ích mà doanh nghiệp của TP.HCM có được chưa rõ nét. Phía sở Du lịch TP.HCM đánh giá ra sao?

Chúng tôi xác định, các thỏa thuận, hoạt động liên kết là nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, phục hồi thị trường du lịch.

Khi thực hiện kích cầu liên kết, doanh nghiệp lữ hành có trụ sở tại TP.HCM sẽ có nguồn thu, đóng góp vào ngân sách Thành phố. Còn dòng ngược lại là cơ sở lưu trú, chúng tôi cũng rất quan tâm.

Cho nên việc thỏa thuận không chỉ ký kết giữa các UBND địa phương mà còn là các hiệp hội du lịch, hãng hàng không, doanh nghiệp,…

Văn bản không chung chung mà phải đi vào phụ lục cụ thể. Mỗi doanh nghiệp của TP.HCM và vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung sẽ cam kết đem lại lợi ích gì cho nhau, đưa khách hai chiều như thế nào.

Thông thường, khách từ TP.HCM sẽ đi các tỉnh vì chúng ta là trung tâm du lịch lớn của cả nước. TP.HCM là thị trường du lịch nội địa chủ lực.

Song, đã có một số dấu hiệu tốt về lượng khách từ các Đông Bắc đến TP.HCM. Chưa diễn ra ký kết nhưng TP.HCM đã đón dòng khách là 120 nghìn công nhân, cán bộ các tổng công ty than, hóa chất, khoáng sản, điện lực,…

Trong đó, chúng tôi khuyến khích thiết kế tour để tăng thời gian lưu trú từ 1 đến 2 đêm, có thể liên kết thêm với các tỉnh Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long để hấp dẫn du khách.

Còn vùng Tây Bắc có 35 triệu lượt khách (trong đó là 5 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu 53 nghìn tỷ đồng năm 2019. Trong khi TP.HCM là 40 triệu lượt khách (trong đó là 8,6 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu 140 nghìn tỷ đồng.

Nếu chúng ta kết nối hiệu quả thì lượt khách du lịch sẽ tăng theo 3 kịch bản. Kỳ vọng cao nhất là khách nội địa năm 2021 sẽ tăng hơn năm 2019, tối thiểu 15%.

Cảm ơn bà!

Mòn mỏi chờ chính sách đi vào thực tế

Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cho đến nay vẫn có nhiều công ty lữ hành, khách sạn tại TP.HCM đang hoạt động cầm chừng vì tiếp cận các gói vay ưu đãi rất khó khăn.

Theo lãnh đạo sở Du lịch TP.HCM, các quy định để vay vốn, nhận hỗ trợ quá khó khăn và chưa phù hợp với thực tế là nguyên nhân chủ yếu.

Một trong những điều kiện để doanh nghiệp được vay để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là phải chứng minh đã cho ít nhất 50% nhân viên nghỉ việc.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chỉ cho người lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chứ không cắt hợp đồng và bảo hiểm để giữ nguồn lực cũng như quyền lợi cho người lao động.

Các quy định để nhân viên du lịch nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội cũng rườm rà. Có những người phải làm rất nhiều thủ tục để chứng minh không có thu nhập tại TP.HCM và không nhận trợ cấp tại địa phương thì mới nhận được hỗ trợ. Điều này là trở ngại không nhỏ.

Vì thế, có chưa đến 20 doanh nghiệp lữ hành hưởng chính sách từ Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Với hướng dẫn viên du lịch, số người được nhận hỗ trợ chỉ là 436 người so với hơn 5.000 trường hợp khác.

Trong 2 tháng trở lại đây, khi đã kiểm soát được dịch bệnh, lượng khách du lịch nội địa đến TP.HCM có xu hướng tăng, cải thiện doanh thu các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn.

Doanh thu ngành du lịch TP.HCM trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 66 nghìn tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch năm. Toàn ngành phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt 80 nghìn tỷ đồng.

Được biết, bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tính toán các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có chính sách giảm 80% tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành mới.