Kinh tế vĩ mô

Kịch bản nào cho ngành dệt may những tháng cuối năm 2022?

4 tháng còn lại của năm 2022, dự kiến ngành dệt may Việt Nam chỉ đạt từ 3,1 - 3,4 tỷ USD/tháng, giảm đáng kể so với con số bình quân trong 8 tháng đầu năm.

Xuất khẩu đối mặt với nguy cơ giảm tốc 

Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng mà trong hơn 10 năm qua không có.

Mỗi tháng ngành có thể xuất khẩu được 3,7- 3,8 tỷ USD/tháng nhưng dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ đạt 3,1- 3,2 tỷ USD/tháng.

Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do thị trường thế giới đột nhiên trở nên “lạnh”, cầu giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Mỹ lạm phát lên tới 9% so với tháng 6/2021 nhưng giá hàng dệt may lại giảm 9%, hàng tồn kho tăng rất cao. Thêm vào đó, kinh tế vĩ mô ổn định, đồng tiền Việt Nam có giá trị cao so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ giảm 8% Trung Quốc 9% đồng nội tệ so với USD thì các ngành xuất khẩu của Việt Nam đang mất lợi thế về giá. Dự báo tình hình thị trường như vậy còn kéo dài đến năm 2023.

Trong 8 tháng đầu năm nay, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, ngành dệt may đã tăng đáng kể tỷ lệ nội địa hóa. Trong 8 tháng qua, nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu cho ngành dệt may chỉ khoảng 13 tỷ USD. Như vậy, ngành dệt may đã tạo ra 17 tỷ USD thặng dư thương mại.

Tỷ lệ nội địa hóa của ngành 57% (cao hơn mức bình quân trong nhiều năm 50%), tiến gần hơn mục tiêu 60% vào năm 2025. Ngành dệt may đã tạo động lực để phục hồi nhiều doanh nghiệp ở các loại hình khác nhau.

Nới room tín dụng với vay ngắn hạn 

Trên cơ sở theo dõi diễn biến thị trường và dự báo của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước, ông Lê Tiến Trường dự báo, 4 tháng cuối năm 2022 và xu hướng năm 2023 thị trường khá trầm lắng.

Đồng thời cho rằng, doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn trong vận dụng chính sách vào thực tiễn. Cụ thể, hiện doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu làm hàng gia công thì được miễn thuế nhập khẩu nhưng nếu mua hàng hóa trong nước để sản xuất xuất khẩu thì vừa nộp VAT, vừa phải chuẩn bị cả thuế nhập khẩu của loại nguyên vật liệu đó, bao giờ xuất khẩu mới được hoàn. Như vậy, trung bình doanh nghiệp phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước.

Trong 2 tháng (tháng 7 và tháng 8), tăng trưởng tín dụng chỉ tăng bình quân 0,3%/tháng, doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó nên đã có hiện tượng có đơn hàng FOB mà phải chấp nhận làm gia công vì không vay được tiền để mua nguyên liệu. Điều này làm cho một loạt các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước không có cơ hội có đơn hàng, không tăng được giá trị gia tăng.

Từ thực tế này, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị: Doanh nghiệp mua hàng trong nước để làm xuất khẩu được hậu kiểm và không bắt nộp trước VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa; nới room tín dụng đối với vay ngắn hạn.

Mỗi tháng ngành có thể xuất khẩu được 3,7- 3,8 tỷ USD/tháng nhưng dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ đạt 3,1- 3,2 tỷ USD/tháng.

Cùng đó, thời điểm hiện tại kinh doanh tỷ suất lợi nhuận thấp nên các phương án kinh doanh của doanh nghiệp khó tiếp cận với ngân hàng. Ngay trong tiếp cận vốn được giảm lãi suất 2% Tập đoàn Dệt may Việt Nam mới tiếp cận được khoảng 140 tỷ đồng nguồn vốn gốc.

“Có một phần khách quan là chúng tôi vay vốn lưu động bằng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu nên không tiếp cận được chính sách giảm lãi suất này”, ông Lê Tiến Trường nói, đồng thời đề nghị cân nhắc, xem xét nếu được sự hỗ trợ lãi suất trong khoản vay ngắn hạn mua nguyên liệu bằng ngoại tệ sẽ góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn hiện nay.

Đối với trung hạn, doanh nghiệp dệt may xác định phải đầu tư đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Mô hình kinh tế này có suất đầu tư lớn, sau khi đưa vào vận hành chi phí cũng rất cao. Nếu tiếp cận theo các chuẩn mực ngân hàng kinh doanh bình thường thì đây là những dự án có tỷ suất thu hồi vốn không cao.

“Chúng tôi mong muốn, các ngành xuất khẩu đang đem lại thặng dư tương đối tốt, có sử dụng nguồn lao động lớn, có giá trị gia tăng ở trong nước đạt trên 50% cần được quan tâm xem xét một cách riêng biệt để củng cố năng lực cho khu vực này, vừa tạo việc làm, vừa mang lại thặng dư và đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Lê Tiến Trường chia sẻ với Công Thương. 

Hương Anh (tổng hợp)