Quân sự

Kịch bản giả định: Nếu Mỹ rời NATO, châu Âu "yếu ớt" sẽ thua ngay trong cuộc chiến với Nga?

NATO không thể tập hợp được nhiều nguồn lực, hoặc có được sự hỗ trợ đầy đủ trong trường hợp chiến tranh với Nga mà thiếu đi sức mạnh của Mỹ.

Tổng thống Trump đã từng cảnh báo về khả năng Mỹ rút khỏi liên minh quân sự lâu đời nhất thế giới.

Trong nhiều năm qua, NATO đã đẩy mạnh ảnh hưởng và sự hiện diện quân sự tiến sát biên giới Nga, thông qua việc kết nạp thêm các thành viên mới và triển khai lực lượng, khí tài quân sự tại các quốc gia đồng minh.

Phương Tây thường xuyên viện dẫn lý do về cái gọi là “nguy cơ xâm lược” của Nga đối với châu Âu để biện minh cho hành động “phả hơi nóng” về phía Đông của mình - một trong những cáo buộc mà Moscow liên tục bác bỏ và nói rằng đó là “điều khôi hài”.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng, chỉ có “những kẻ điên rồ” mới có thể tưởng tượng ra viễn cảnh Nga tấn công NATO hay xâm lược châu Âu. Ông cũng cáo buộc ngược lại NATO là một khối quân sự bành trướng, tồn tại với mục đích bao vây, cô lập Nga.

Với sự căng thẳng nối dài trong nhiều năm qua, các nhà phân tích đã nói nhiều về khả năng xung đột xảy ra giữa Nga và liên minh quân sự phương Tây.

Tuy nhiên, với những bất đồng mới giữa Mỹ và các thành viên NATO gần đây, đã có những câu hỏi đặt ra về việc liên minh quân sự xoay xở thế nào nếu Mỹ rời đi.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã xem xét một số kịch bản giả định trong đó NATO (bao gồm cả Canada) phải đối đầu với Nga như thế nào mà không có sự hỗ trợ của Mỹ.

Kịch bản NATO không có Mỹ

Trong một kịch bản được IISS đặt ra vào năm 2021, với trường hợp có sự đụng độ giữa Nga với Litva và Ba Lan, các thành viên NATO này có thể kích hoạt Điều 5, quy định các nước thành viên cùng tham chiến để bảo vệ.

NATO sẽ tiến hành chuẩn bị lực lượng quân sự chỉ có châu Âu và Canada mà không có người Mỹ để đối đầu với Nga.

Tuy nhiên, các phản ứng của NATO sẽ đối mặt với những vấn đề lớn. Nói một cách đơn giản, NATO không thể tập hợp được nhiều nguồn lực, hoặc có được sự hỗ trợ đầy đủ, cây bút Michael Peck nhận định trên National Interest.

Hiện tại, NATO đang có Lực lượng phản ứng nhanh có quy mô cấp sư đoàn và có kế hoạch bổ sung thêm các tiểu đoàn để tạo ra một lực lượng ở quy mô quân đoàn. Tuy nhiên, liên minh quân sự phương Tây không đủ khả năng tạo ra đủ lực lượng trong kịch bản trên, nghiên cứu của IISS kết luận.

Ví dụ, để đáp ứng các lực lượng Nga vốn có nhiều xe tăng, lực lượng can thiệp của NATO sẽ cần chủ yếu các lữ đoàn hạng nặng với xe tăng và xe chiến đấu bộ binh hiện đại. Và để đạt được tỷ lệ lực lượng 2:1 đủ để đánh bại người Nga, NATO sẽ cần bốn quân đoàn.

Tuy nhiên, trong kịch bản đụng độ ở Baltic mà không có quân đội Mỹ và giả định trường hợp quân đội Ba Lan đã chịu tổn thất nặng nề - các thành viên châu Âu còn lại của NATO và Canada hiện chỉ có khoảng 20 lữ đoàn đáp ứng các tiêu chí này, IISS ước tính.

Quân đội châu Âu có thể sẽ gặp khó khi đối với Nga.

1/3 trong tổng số này bao gồm các đội hình chủ yếu được trang bị các phương tiện bọc thép hạng nhẹ. Giả sử rằng, 50% lực lượng trên có thể triển khai trong thời gian ấn định 90 ngày, lực lượng tổng thể có sẵn cho NATO cũng chỉ tương đương với một quân đoàn.

Trong một hạn chế tương tự, NATO hiện tại không đủ số lượng pháo hiện đại, đặc biệt là các hệ thống tầm xa. Do đó, cần phải tăng đáng kể quy mô của cả hai lực lượng trên để giải quyết yêu cầu cần thiết trong trường hợp xung đột xảy ra.

Theo đó, không chỉ lực lượng mặt đất sẽ cần được bảo vệ trước các cuộc tấn công trên không của Nga mà kho vũ khí đạn đạo và tên lửa hành trình khổng lồ của Moscow còn dồn ép vào các căn cứ không quân và tiếp tế của NATO.

“Sự hạn chế về số lượng của các hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa sẽ chỉ đủ để yểm trợ các căn cứ không quân tiền tuyến cần thiết cho NATO, nhưng sẽ không có dư thừa để bảo vệ lực lượng mặt đất hoặc bảo vệ các vị trí cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng như cơ sở chỉ huy và hậu cần”, nghiên cứu cảnh báo.

Hải quân NATO cũng sẽ gặp khó khăn khi hoạt động trong vùng biển Baltic, Biển Đen và Địa Trung Hải. NATO thiếu các hệ thống máy bay không người lái và trinh sát, trong khi nhiều quốc gia NATO chỉ có đủ đạn dược trong vài ngày chiến đấu, đặc biệt là bom thông minh (NATO đã dùng hết trong cuộc không kích vào Libya năm 2011).

Đáng quan ngại hơn, chi phí mua sắm đủ thiết bị và nhân sự để có thể thắng trong cuộc xung đột với Nga ở các nước Baltic có thể lên tới 357 tỷ USD, báo cáo nhấn mạnh.

Kể cả khi nguồn tài chính do các thành viên NATO châu Âu (bao gồm cả Canada) chịu bỏ ra, vẫn còn những vấn đề cho thấy Mỹ không thể thiếu đối với NATO.

Trong một số trường hợp, NATO có thể dùng nguồn lực “cây nhà lá vườn” của mình để ứng phó, nhưng trong những trường hợp đặc thù hơn, liên minh quân sự đơn giản là phải cần đến sự hỗ trợ từ Mỹ.

Một số khả năng được cung cấp bởi các lực lượng Mỹ, như hậu cần và duy trì lực lượng mặt đất, có thể tương đối đơn giản để thay thế. Tuy nhiên, có những khả năng được coi là duy nhất chỉ có Mỹ mới có và rất khó để thay thế bởi nguồn lực hiện tại của Châu Âu, nghiên cứu kết luận.