Chính sách

Kịch bản đáng lo ngại nếu mở 14 làn dành riêng cho xe buýt

Theo các chuyên gia, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi muốn triển khai 14 làn dành riêng cho xe buýt tại Hà Nội.

Mới đây, hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP.Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP.Hà Nội và sở Giao thông Vận tải Hà Nội ưu tiên triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhằm cải thiện điều kiện vận hành, nâng cao năng lực vận chuyển, góp phần thu hút hành khách sử dụng dịch vụ, từ đó giúp giảm phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông.

Trao đổi PV Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá, dịch Covid-19 đã khiến kinh tế nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó ngành vận tải công cộng cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, việc triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt cần cân nhắc và nghiên cứu cẩn thận. 

Nếu mở 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ nảy sinh nhiều bất cập.

“Trước đây, Hà Nội cũng đã thí điểm mở làn đường riêng dành cho xe buýt tại đoạn đường Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi. Thời gian đầu thực hiện, tuyến xe buýt này hoạt động hiệu quả, nhưng sau phải dừng để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao. Nhưng theo tôi, hiện nay, trên đoạn đường này, mật độ phương tiện giao thông ngày càng tăng cao, nhất là xe máy, vào giờ cao điểm, tình trạng ùn tắc giao thông ở đây rất phổ biến thì việc mở làn riêng cho xe buýt không khả thi chút nào”, ông Liên cho hay.

Chỉ ra nguyên nhân bất cập nếu mở làn dành riêng cho xe buýt tại các tuyến đường trên TP.Hà Nội hiện nay, ông Liên cho biết tại Hà Nội cơ sở hạ tầng hiện nay không đáp ứng dung lượng cho việc mở làn tại các tuyến đường đó. Nếu dành riêng làn đường cho xe buýt thì đã tắc sẽ càng tắc thêm; Việc phân luồng giao thông, quy hoạch chưa phù hợp; Chất lượng xe buýt chưa cao, yếu tố hạ tầng xe buýt như bậc lên xuống giữa xe tiếp giáp với vỉa hè vênh nhau, người già và trẻ nhỏ đi xe buýt rất khó khăn. Chất lượng xe buýt chưa thu hút được người dân.

Ông Bùi Danh Liên.

“Hơn nữa, hiện nay xe buýt bị hạn chế rất lớn về khả năng bảo đảm thời gian hành trình, di chuyển khiến người dân, hành khách vẫn ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông cá nhân”, ông Liên nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, Hà Nội cần nghiên cứu nhiều thứ, không thể nói mở là mở được ngay. Phải có tính toán, phải có lộ trình để rút ra kinh nghiệm rồi hãy làm. Nếu mở thì cần làm thí nghiệm 1-2 tuyến trong vòng vài tháng, đánh giá kết quả rồi mới mở các tuyến tiếp theo, chứ không nên mở đại trà tất cả các tuyến, như vậy sẽ có nhiều tuyến sẽ gây ùn tắc hơn trước đây.

“Muốn mở đoạn đường nào cần xác định, khảo sát xem đoạn đường nào có đông người đi xe buýt, nơi nào có đông trường đại học, nhiều sinh viên, đường rộng rãi. Người đi xe buýt vào giờ cao điểm, vào các ngày trong tuần phải được 80 -90%, thậm chí 100%, những ngày khác cũng phải được 30-40% thì mới có thể mở được; Tiếp nữa là lưu lượng đi phải ổn định; Cần có kết nối như khi đi xe buýt xong muốn đến địa điểm người ta cần thì đi phương tiện gì. Rút kinh nghiệm từ tuyến BRT được mở nhưng người dân không đi nhiều, không có sự nối kết không có sự thu hút sẽ vỡ trận”, ông Thủy đưa giải pháp.

Ngoài ra, ông Bùi Danh Liên còn nhắn nhủ: “Muốn thành công lãnh đạo TP.Hà Nội phải có quyết tâm cao, quyết liệt thì mới được”.

Trong số 14 tuyến đường đề xuất ưu tiên triển khai, có 4 tuyến đường trục chính đủ điều kiện đã được nghiên cứu trong giai đoạn 2019-2020, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5km; tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt dài 4,7km; tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9km; tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm dài 9,6km.

10 tuyến còn lại thực hiện theo Kế hoạch số 201/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 16-10-2020 về phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn từ năm 2021-2030.

Cụ thể, 5 tuyến đường tổ chức làn ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025 (tổng cộng 22,6km) gồm: Tuyến đường Hoàng Quốc Việt (2,5km); Trần Duy Hưng (1,7km); Xã Đàn (1,7km); Võ Chí Công (4,7km); Võ Văn Kiệt (12km).

5 tuyến đường nghiên cứu tổ chức làn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (tổng cộng 82,3km) gồm: Nhổn - Hồ Tùng Mậu (5km); Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín (9,3km); Trần Duy Hưng - Hòa Lạc (27km); Mỹ Đình - sân bay Nội Bài (25km); Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo quốc lộ 1 cũ (16km).