Tiêu điểm thế giới

Khủng hoảng S-400 còn chưa dứt, Mỹ lại chuẩn bị đón nhận "tuyệt chiêu" lợi hại gấp nhiều lần từ Nga-Thổ

"Giờ chúng tôi sẽ mua cái này à?", ông Erdogan hỏi Tổng thống Putin khi cả hai đến gần mô hình trưng bày của Su-57. "Ngài có thể", ông Putin trả lời. Sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mỉm cười.

Tổng thống Erdogan chăm chú quan sát mẫu tiêm kích Su-57 của Nga tại sự kiện MAKS 2019.

Nụ cười Su-57

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã cùng nhau dự lễ khai mạc triển lãm hàng không MAKS 2019 ở bên ngoài Moscow hôm 27/8. Đây là một động thái thể hiện sự gắn kết giữa hai nhà lãnh đạo thân thiết lâu năm, đồng thời gửi một thông điệp rõ ràng tới người Mỹ, tờ The Drive nhận định.

Trong sự kiện này, người ta chú ý nhiều đến bình luận mua tiêm kích tàng hình Su-57 của Tổng thống Erdogan. Giới phân tích cho rằng, rất có khả năng một cuộc “khủng hoảng S-400 phiên bản 2” giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể nổ ra trong tương lai gần. Lần này không phải là hệ thống phòng không nữa mà là máy bay chiến đấu.

Truyền thông Nga đã đăng tải một loạt hình ảnh từ sự kiện MAKS, nơi ông Putin và ông Erdogan cùng nhau tham quan các gian hàng máy bay, bao gồm cả trực thăng quân sự như Mi-38 hay máy bay trực thăng vận tải hạng nhẹ Ka-62 mới. Ông Erdogan cũng có dịp mục sở thị bên trong mẫu xe sang trọng Aurus Senat đang được phát triển của Nga.

Tuy nhiên, điểm dừng chân đáng chú ý nhất là khi Tổng thống Erdogan đến nơi đặt Su-57 và có cái nhìn cận cảnh đầu tiên về mẫu tiêm kích đáng tự hào của Nga.

Còn nhớ, vào tháng 5/2019, ông Serge Chemezov, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp nhà nước hàng đầu của Nga – Rostec – tuyên bố, Điện Kremlin sẵn sàng bán cho Thổ Nhĩ Kỳ những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất nếu Ankara bị loại khỏi chương trình F-35.

Cho đến nay, chưa có thông báo chính thức nào về việc Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận lời đề nghị của Nga liên quan đến Su-57. Nhưng với bình luận gần đây ở sự kiện MAKS, người ta tin rằng mẫu máy bay này sẽ là một trong những cân nhắc mới của Ankara.

"Giờ chúng tôi sẽ mua cái này à?", ông Erdogan hỏi Tổng thống Putin khi cả hai đến gần mô hình trưng bày của Su-57. "Ngài có thể", ông Putin trả lời. Sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mỉm cười.

Chính phủ Mỹ đã chính thức loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35 sau khi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Mỹ và các thành viên NATO khác lo ngại việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vận hành cả hai hệ thống có thể tiết lộ các công nghệ nhạy cảm về F-35 cho Nga.

Bên cạnh đó, thương vụ S-400 cũng trở thành yếu tố làm nghiêm trọng thêm một số vấn đề khác trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Cơ hội cho TF-X

Quan hệ Mỹ-Thổ càng trôi xa, Nga càng có lý do để vui mừng.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển chương trình máy bay chiến đấu tàng hình bản địa của riêng mình, được gọi là TF-X. Hiện tại, nước này rất cần sự hỗ trợ công nghệ từ các quốc gia phát triển về quân sự như Nga hay Mỹ.

"TF-X, là máy bay quân sự thế hệ thứ năm của chúng tôi, là vũ khí quan trọng nhất của chúng tôi", ông Erdogan nói trên sân khấu với người đồng cấp Putin.

Tuy nhiên, khi bị loại khỏi chương trình F-35, Ankara đang phải đối mặt với việc chương trình phát triển TF-X của mình bị thiếu đi sự hỗ trợ.

Giữa tình cảnh khó khăn như vậy, người Nga đang mang đến thiện chí giúp đỡ không thể chối từ.

Người đứng đầu Rostec của Nga nhấn mạnh, bất kỳ hợp đồng bán Su-57 nào cũng có thể bao gồm cả hợp tác công nghệ trong việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ phát triển TF-X.

Điều này là hoàn toàn khả thi khi trước đây phía Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ trong các thương vụ về S-400 hoặc có thể là S-500 sau này.

Mặc dù vậy, viễn cảnh đó vẫn còn xa xôi. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chưa thể mong đợi TF-X có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trước năm 2025 và không quân nước này cần một giải pháp tạm thời để lấp đầy khoảng trống hiện có trong kế hoạch hiện đại hóa sức mạnh không quân.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch mua tới 116 chiếc F-35, chủ yếu để thay thế các máy bay chiến đấu F-4 Phantom II đã cũ. Nhưng khi hợp đồng với Mỹ thất bại, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển sang các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến, như Su-35 Flanker-E hoặc MiG-35 Fulcrum-F từ Nga để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu trước mắt.

Tùy thuộc vào biện pháp trừng phạt cuối cùng mà Chính phủ Mỹ áp dụng, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể cân nhắc mở rộng thỏa thuận mua bán sang các mẫu máy bay khác nhau, bao gồm cả Su-57.

Vào tháng 5/2019, Nga tuyên bố sẽ bắt đầu chuyển sang sản xuất hàng loạt Su-57. Đơn đặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ giúp tăng thêm nguồn lựa cho bước chuyển hướng của Nga.

Tương lai hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong các lĩnh vực quốc phòng là rất tiềm năng. Nhưng các chính sách của Tổng thống Erdogan dường như đang kéo đất nước của ông tới một bờ vực rạn nứt lớn hơn với Mỹ, bao gồm cả các đối tác ở Châu Âu.

Về phần mình, Tổng thống Putin có thể nở nụ cười tươi khi xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - như công chúng đã thấy ở sự kiện MAKS lần này - đồng thời đưa ông Erdogan tiến sâu vào phạm vi ảnh hưởng của Moscow.