Thế giới

Khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine: Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với LHQ giải quyết

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này sẽ phối hợp với LHQ để chấm dứt khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine trong bối cảnh đã có hơn 5 triệu người rời khỏi Ukraine vì xung đột.

Số người rời khỏi Ukraine tăng lên hơn 5 triệu người

Ngày 20/4, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, số người phải rời khỏi Ukraine vì xung đột đã tăng lên hơn 5 triệu người. Đây được xem là cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Theo dữ liệu của UNHCR, tính đến 20/4, khoảng 5,03 triệu người đã rời khỏi Ukraine và hơn 7 triệu người khác phải sơ tán trong nước.

Những người rời khỏi Ukraine hầu hết đã đến Liên minh châu Âu (EU) thông qua biên giới các nước như Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania.

Hiện, tình nguyện viên và chính phủ các nước đang nỗ lực hỗ trợ những người sơ tán khỏi Ukraine, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tìm việc làm và nơi ở.

Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp Liên Hợp Quốc giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine

Ngày 25/4, trong cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên Hợp Quốc để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine.

Tuyên bố sau cuộc gặp, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên Hợp Quốc để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán dân thường và cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine, đồng thời nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan điểm rằng tất cả các nước nên ủng hộ tiến trình đàm phán tại Istanbul về vấn đề Ukraine, vì đây là một cách đáng tin cậy để thiết lập hòa bình ở quốc gia này. Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng sẽ tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Liên Hợp Quốc nỗ lực ngăn chặn xung đột

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy ngăn chặn xung đột ở Ukraine. Ngày 25/4, ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cho biết nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy ngăn chặn xung đột.

Tổng Thư ký Guterres đang trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga. Dự kiến, tại Thủ đô Moscow, ông sẽ có một cuộc họp và ăn trưa với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày 26/4 và cũng sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổng Thư ký Guterres sau đó sẽ tới Ukraine và có một cuộc họp với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, cũng như hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 28/4.

Chuyến thăm của ông Guterres dự kiến sẽ tập trung vào các sáng kiến hỗ trợ nhân đạo, sơ tán người dân, đặc biệt là từ Mariupol và tránh những vấn đề mang tính chính trị, theo Jean-Marc Rickli, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva (Thụy Sĩ).

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ngày 20/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã có chuyến thăm bất ngờ đến Ukraine. Trong khuôn khổ chuyến đi trên, ông Michel đã đến thăm thị trấn Borodianka chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột.

Kể từ khi xảy ra xung đột đến nay, EU đã tuyên bố cung cấp tổng cộng 143 triệu euro viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Số tiền này nhằm hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng đồng thời giải quyết những nhu cầu nhân đạo cấp thiết nhất như cung cấp các dịch vụ y tế khẩn cấp, nước uống, đảm bảo vệ sinh, nơi ở tạm thời, hỗ trợ tiền mặt cũng như giúp ngăn chặn bạo lực giới.

Minh Hoa (t/h)