Tiêu điểm thế giới

Khủng hoảng năng lượng là cái giá phải trả cho sự phụ thuộc vào than?

Trung Quốc đã thực hiện các bước quyết liệt trong thời gian gần đây để đối phó với cuộc khủng hoảng đang đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế số 2 thế giới hậu Covid.

Một báo cáo từ Moody’s Investors Service cảnh báo, khủng hoảng thiếu điện “sẽ gây thêm căng thẳng kinh tế, đè nặng lên tăng trưởng GDP cho năm 2022” của Trung Quốc, The Globe and Mail đưa tin.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ cũng làm nổi bật sự phụ thuộc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào than đá, trong bối cảnh nước này đang cố gắng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh.

Trong những tuần gần đây, các địa phương trên khắp Trung Quốc đã trải qua tình trạng bị mất điện liên tục, các cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động.

Hôm 11/10, tỉnh Liêu Ninh ở Đông Bắc Trung Quốc cảnh báo rằng, tỉnh này vẫn đang bị thiếu tới 20% điện và dự kiến tình hình sẽ tồi tệ hơn vào giữa tháng 10.

Khủng hoảng leo thang

Cuộc khủng hoảng là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm giá than toàn cầu tăng vọt, các biện pháp kiểm soát giá điện khiến nhiều nhà máy điện hoạt động thua lỗ.

Giá than đã tăng vọt trong năm nay do sản lượng khai thác không theo kịp với nhu cầu tăng cao sau đại dịch, làm cạn kiệt tồn kho.

Tình trạng thiếu điện và giá cả tăng cao đã dẫn đến việc các cơ sở sản xuất ở khắp nơi trên đất nước bị cắt điện vì Chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên nguồn cung cho hệ thống sưởi ấm trong nhà vào mùa đông.

Điều đó có thể dẫn đến giảm 30% hoạt động trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng nhất như thép, hóa chất và sản xuất xi măng, theo UBS Group AG.

Ở Trung Quốc, hoạt động khai thác than nội địa với sản lượng lớn là yếu tố có tính quyết định nhiều hơn đối với độ sẵn có của nhiên liệu cho sản xuất. Ảnh: World Energy

Ngoài ra, sự hoành hành của thiên tai lũ lụt ở khu vực sản xuất than trọng điểm của đất nước càng làm tình hình thêm bết bát.

Trong số 682 mỏ than ở tỉnh Sơn Tây – thủ phủ công nghiệp than của Trung Quốc, 60 mỏ đã phải đóng cửa trong những ngày gần đây do lũ lụt.

Hơn 120.000 người đã phải sơ tán sau khi những trận mưa như trút nước liên tục gây ra lũ lụt vào cuối tuần qua, khiến khoảng 17.000 ngôi nhà bị sập, Hãng thông tấn Nhà nước Tân Hoa xã (Xinhua) đưa tin.

Mặc dù một số mỏ hiện đang dần khôi phục hoạt động, điều này vẫn làm phức tạp thêm nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy nguồn cung và ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang.

Hai mỏ than ở tỉnh Thiểm Tây lân cận cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, càng làm gia tăng các vấn đề ở Sơn Tây, tờ Securities Times đưa tin.

Trong bối cảnh này, giá than giao sau trên Sàn giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu tăng 7,1% hôm 12/10 lên mức 1.507,8 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 234 USD/tấn), sau khi tăng 12% hôm 11/10, Bloomberg đưa tin.

Trong một tuyên bố gần đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - cho biết, họ đã yêu cầu các địa phương sản xuất than trọng điểm tăng sản lượng để đảm bảo nguồn cung năng lượng trước mùa đông.

Đây là một mối quan ngại lớn ở miền Bắc Trung Quốc, nơi người dân phụ thuộc vào than để sưởi ấm trong mùa đông khắc nghiệt đang gần kề.

Vận chuyển than bằng đường sắt ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Hàng trăm mỏ than ở Sơn Tây và Nội Mông – hai khu vực sản xuất than lớn nhất nước - dự kiến sẽ sản xuất thêm 173 triệu tấn vào cuối năm nay, với sản lượng không bị giới hạn, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Như vậy, các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm gián đoạn các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Biện pháp tình thế

Trung Quốc đã thực hiện các bước quyết liệt trong thời gian gần đây để xoa dịu tình hình, bao gồm yêu cầu các mỏ tăng sản lượng và cho phép tăng giá điện để khuyến khích các nhà sản xuất điện tăng sản lượng đầu ra.

Động thái mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang kìm kẹp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là cải cách về giá điện mà NDRC công bố hôm 12/10, Reuters đưa tin.

Theo đó, NDRC sẽ tự do hóa hoàn toàn giá điện sản xuất từ than đá, và người dùng điện cho mục đích công nghiệp và thương mại đều phải mua điện từ thị trường.

NDRC cho biết, không đưa ra khung thời gian cụ thể, rằng 100% điện sản xuất từ nhiệt điện than sẽ được định giá thông qua giao dịch thị trường, tăng so với mức 70% ở nước này hiện nay.

Người dùng điện cho mục đích công nghiệp và thương mại sẽ sớm phải mua điện trực tiếp từ thị trường hoặc thông qua các đại lý qua lưới điện. Hiện tại, 44% người dùng đang mua điện trực tiếp từ thị trường. Những người dùng khác phải trả các mức giá cố định cho việc dùng điện.

Trung Quốc đã nhập khẩu 3,29 triệu tấn than nhiệt trong tuần trước, bắt đầu từ ngày 4/10, tăng từ 1,47 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, theo Kpler – công ty hàng đầu về giải pháp phân tích và dữ liệu hàng hóa, Reuters đưa tin.

Kpler dự báo nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên 4,5 triệu tấn trong tuần này, bắt đầu từ ngày 11/10. Nếu dự báo là chính xác, đây sẽ là mức nhập khẩu hàng tuần mạnh nhất của nước này kể từ đầu tháng 9.

Một nhà máy điện ở Ordos, Khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc. Ảnh: CGTN

Tuy nhiên, theo Reuters, đối với Trung Quốc, nhập khẩu đóng vai trò thứ yếu trong nguồn cung than của quốc gia này, vì hoạt động khai thác than nội địa với sản lượng lớn mới là yếu tố có tính quyết định nhiều hơn đối với độ sẵn có của nhiên liệu cho sản xuất.

Cân bằng giữa các mục tiêu khí hậu và an ninh năng lượng

Đảm bảo nguồn cung than đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh ngay cả khi nước này có kế hoạch cho một tương lai không có carbon.

“Trung Quốc phấn đấu đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt trạng thái trung hòa carbon trước năm 2060”, Phó Thủ tướng Hàn Chính cho biết hôm 11/10, sau cuộc đối thoại về khí hậu với Liên minh châu Âu (EU).

Ông cho biết thêm rằng, Trung Quốc sẽ “kiểm soát chặt chẽ” các dự án điện than và “hạn chế nghiêm ngặt” việc gia tăng tiêu thụ than trong giai đoạn kế hoạch 5 năm hiện tại, kéo dài đến năm 2025.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng điện đã buộc nước này phải tìm cách cân bằng giữa phát triển kinh tế và các mục tiêu khí hậu.

Các quan chức và truyền thông Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh rằng, quá trình chuyển đổi xanh của nước này vẫn còn trong giai đoạn rất sơ khai.

“An ninh năng lượng gắn liền với an ninh phát triển và an ninh quốc gia”, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trong một tuyên bố hôm 11/10.

Thủ tướng Lý cho biết thêm rằng, “sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế bền vững và ổn định” phải được đảm bảo.

“Vì quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều, nên sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục”, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc cho biết trong một bài xã luận.

“Trong quá trình chuyển đổi, Trung Quốc bắt buộc phải cân bằng giữa việc giảm lượng phát thải carbon và đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định”.

Bài xã luận cho biết thêm rằng “phát triển xanh mạnh mẽ” có thể giúp chấm dứt cả sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giúp Trung Quốc thoát khỏi phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài khi nói đến nguồn cung năng lượng.