Thế giới

Khủng hoảng năng lượng buộc nhà máy điện than của Đức ngừng hoạt động

Giá than đang tăng trong bối cảnh nguồn cung thị trường toàn cầu eo hẹp với nhu cầu than của Trung Quốc bùng nổ và giá carbon ở EU cao.

Steag GmbH, một trong những nhà sản xuất điện lớn nhất của Đức, đã tạm dừng hoạt động nhà máy nhiệt điện than Bergkamen-A sau khi nhà máy này cạn kiệt nguồn cung cấp than cứng.

Quyết định trên được công ty đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu và những thách thức về hậu cần trong nước, Steag nói với Bloomberg hôm 1/10.

“Chúng tôi đang thiếu than cứng”, người phát ngôn của Steag, Daniel Muhlenfeld, nói với Bloomberg qua email.

“Nhu cầu than tăng mạnh, đồng thời nhu cầu vận chuyển than bằng sà lan là rất lớn. Trong khi đó, nhà máy Bergkamen-A không có kết nối đường sắt, nên không có lựa chọn thay thế hậu cần nào ở đây”, Muhlenfeld cho biết.

Than cứng (anthracite) là than có hàm lượng carbon cao nhất, ít tạp chất nhất, và cho hiệu quả năng lượng cao nhất trong tất cả các loại than.

Than nâu (lignite) và than cứng chiếm khoảng 26% sản lượng điện của Đức trong nửa đầu năm 2021, theo dữ liệu từ Hiệp hội Các ngành công nghiệp nước và năng lượng Đức (BDEW).

Trong những tuần gần đây, các công ty điện lực trên khắp châu Âu đã tăng cường sản xuất điện bằng than do giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng.

Hơn 2.000 trạm nhiên liệu ở Anh vẫn trong tình trạng cạn kiệt hôm 30/9 do tình trạng thiếu tài xế xe tải. Ảnh: Irish Times

Ngay cả Anh, quốc gia đã cam kết sẽ ngừng sản xuất nhiệt điện than vào tháng 10/2024, gần đây đã phải khôi phục hoạt động tại một nhà máy than cũ, đang ở chế độ chờ, để đáp ứng nhu cầu điện của nước này.

Tỉ lệ than trong cơ cấu nguồn điện của Anh ở một số giai đoạn trong tháng 9 - mặc dù dưới 3% - đã tăng hơn gấp đôi so với tỉ trọng dưới 1% vào tháng 9/2020.

Giá khí đốt và điện ở châu Âu đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Lý do là châu Âu không chỉ thiếu nguồn cung khí đốt tự nhiên khi mùa sưởi ấm bắt đầu, mà còn thiếu hụt cả than khi một số công ty điện lực buộc phải chuyển sang sử dụng than thay cho khí đốt trong bối cảnh giá xăng tăng cao.

Giá than cũng đang tăng trong bối cảnh nguồn cung thị trường toàn cầu eo hẹp với nhu cầu của Trung Quốc bùng nổ và giá carbon ở EU cao.

Lãnh đạo của các công ty Nga nói với Bloomberg rằng, các công ty tiện ích châu Âu đang yêu cầu họ cung cấp than.

Nhưng châu Âu có thể không sớm nhận được nhiều nguồn cung than, vì xuất khẩu than của Nga, cũng như việc cung cấp khí đốt, đều bị hạn chế.

Minh Đức (Theo Oil Price)