Thế giới

Khủng hoảng điện ở Trung Quốc đẩy giá loại than “bẩn” nhất lên cao

Giá các loại than nâu đã tăng gấp nhiều lần thành 110-120 USD/tấn trong tuần này, do nhu cầu từ Trung Quốc tăng và sản lượng khai thác từ các mỏ ở Kalimantan giảm.

Trung Quốc đang trả giá cao kỷ lục cho loại than “bẩn” nhất. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng điện năng đang làm tăng tốc các thị trường năng lượng châu Á như thế nào.

Giá nhiều loại than nâu nhập từ Indonesia đã tăng lên 110-120 USD/tấn trong tuần này do nhu cầu từ Trung Quốc tăng và sản lượng khai thác từ các mỏ ở Kalimantan giảm, các thương nhân chuyên giao dịch loại than này cho biết.

Như vậy, giá loại than này đã tăng gấp nhiều lần so với năm ngoái, khi một số lô hàng được bán với giá chỉ từ 20-25 USD/tấn.

Sự gia tăng nhu cầu đối với loại nhiên liệu được cho là gây ô nhiễm nhất và ít hiệu quả năng lượng nhất trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng lượng phát thải carbon từ Trung Quốc vào mùa đông năm nay.

Than nâu hay than non, được gọi là 4200-GAR, thường được trộn với một loại than khác có hiệu quả năng lượng cao hơn.

Đầu tuần này, các khách hàng Trung Quốc đều dốc toàn lực để đấu thầu các lô than nâu nhập từ Indonesia, các nhà giao dịch cho biết.

Việc Chính quyền Trung Quốc yêu cầu các công ty quốc doanh phải đảm bảo nguồn cung năng lượng cho mùa đông tới bằng mọi giá có thể khiến hoạt động mua tăng mạnh, Bloomberg đưa tin.

Nguồn cung 4200-GAR - thường được sử dụng làm nguyên liệu pha trộn rẻ hơn cho các loại than nhiệt chất lượng cao, đắt tiền hơn và được đưa vào lò hơi - đã bị hạn chế trong năm nay do lũ lụt ở Kalimantan.

Indonesia hiện là nhà cung cấp than lớn nhất cho Trung Quốc.

Trong bối cảnh quan hệ song phương Trung-Úc ngày càng căng thẳng, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than đá chất lượng cao từ Úc.

Do đó, nền kinh tế lớn nhất châu Á phải tìm nguồn cung thay thế từ các nước khác như Indonesia, Nga, Nam Phi, Mỹ…

Minh Đức (Theo Bloomberg)