Đời sống

Khung giờ vàng khi ngủ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Theo các nhà khoa học Anh, ngủ quá sớm hay quá muộn đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch so với khi ngủ vào "khung giờ vàng".

Nghiên cứu được công bố trên European Heart Journal - Digital Health cho biết khung giờ vàng để bắt đầu giấc ngủ đêm là từ 22 đến 23h.

Theo tiến sĩ David Plans từ Đại học Exeter (Anh), tác giả chính của nghiên cứu, họ đưa ra kết quả này dựa trên cuộc điều tra chi tiết về thời lượng ngủ, khung giờ ngủ và bệnh tim mạch, đồng thời dựa trên dữ liệu của 88.026 tình nguyện viên người Anh, được tuyển dụng từ năm 2006 đến năm 2010, độ tuổi từ 43 đến 79 tuổi, trong đó 58% là phụ nữ.

Trong thời gian theo dõi trung bình 5,7 năm, 3.172 người tham gia (chiếm 3,6%) phát triển bệnh tim mạch. Con số này cao nhất ở những người có thời gian ngủ vào lúc nửa đêm hoặc muộn hơn và thấp nhất ở những người bắt đầu ngủ từ 22h đến 22h59.

Cụ thể, ngủ vào nửa đêm hoặc trễ hơn sẽ khiến tăng đến 25% nguy cơ bệnh tim mạch so với nhóm ngủ vào 22-23 giờ, trong khi ngủ từ 23 – 23h59 thì nguy cơ tăng 12%. Đáng chú ý, ngủ trước 22h cũng làm tăng 24% nguy cơ bệnh tim mạch, cho dù thời lượng ngủ vừa phải.

"Cơ thể có một đồng hồ sinh học trong 24 giờ, được gọi là nhịp sinh học, giúp điều chỉnh hoạt động thể chất và tinh thần. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, thời gian đi ngủ sớm hoặc muộn có nhiều khả năng làm rối loạn đồng hồ sinh học cơ thể, gây hậu quả bất lợi cho sức khỏe tim mạch", Tiến sĩ David Plans cho biết.

Đây là một phát hiện thú vị bởi khả năng giảm tới 1/4 nguy cơ bệnh tim mạch của việc ngủ từ 22-23h là thần kỳ, tương đương với việc tập thể dục ở một mức độ vừa phải hằng ngày. Đồng thời là giải pháp thoải mái và không làm bạn tốn thêm thời gian vì có thể ngủ với thời lượng như cũ, chỉ cần điều chỉnh giờ bắt đầu ngủ.

Tuy nhiên, theo ông Plans, mối liên hệ chặt chẽ giữa thời gian bắt đầu ngủ và bệnh tim mạch ở phụ nữ là không rõ ràng: "Có thể có sự khác biệt về giới tính trong cách hệ thống nội tiết phản ứng với sự gián đoạn trong nhịp sinh học". "Ngoài ra, độ tuổi lớn hơn của những người tham gia nghiên cứu có thể là một yếu tố tác động vì nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ gia tăng sau thời gian mãn kinh", Tiến sĩ Plan nói.

Regina Giblin, y tá tim mạch cao cấp của Quỹ Tim mạch Anh, cho biết, trong khi cần nghiên cứu sâu hơn, người trưởng thành nên đặt mục tiêu ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm: "Nghiên cứu này cho thấy rằng, đi ngủ từ 22h đến 23h là điều tốt nhất cho mọi người nhằm giữ cho trái tim khỏe mạnh lâu dài. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là nghiên cứu này chỉ có thể chỉ ra mối liên hệ chứ không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả".

Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, VTV)