An ninh - Hình sự

"Khủng bố" con nợ sau khi vay tiền qua App: Cả họ bị đòi nợ, giang hồ thường xuyên "ghé thăm"

Người vay tiền qua những App trên mạng xã hội không phải rườm rà về thủ tục, tuy nhiên sẽ phải chịu lãi suất "cắt cổ". Nếu vay tiền không hoặc chưa trả, thậm chí người thân của con nợ cũng bị gọi điện đe dọa.

Một người vay tiền, cả họ bị đòi nợ

VOV đưa tin, trên mạng xã hội nở rộ nhiều trang web cho vay tiền qua App với những lời chào mời hấp dẫn như: thủ tục vay nhanh chóng, mức vay từ 2-10 triệu đồng, không cần thế chấp hay ký hợp đồng, không giữ giấy tờ, không gặp mặt hay gọi người thân...

Khi khách hàng có nhu cầu vay tiền mặt nhưng lại ngại các thủ tục của ngân hàng, lập tức chỉ cần đánh từ khóa “vay tiền qua App” trên google hay facebook, hàng trăm trang cho vay qua ứng dụng này đã hiện lên với các tên như: Vay tiền qua app, App vay tiền online mới uy tín, Hỗ trợ vay tiền qua app, Vay tiền qua app – chỉ cần CMND…

Ảnh minh họa

Để che mắt cơ quan chức năng, và dẫn dụ "con mồi" đồng ý vay, các ứng dụng này đều công khai mức lãi suất rất vừa phải, không vượt quá 20%/năm - mức trần lãi suất theo quy định của pháp luật. Thực tế, mức lãi suất đó chỉ là “tượng trưng”, nếu người vay không trả đúng hẹn thì sẽ phải chịu các khoản phí và lãi phạt rất cao.

Phổ biến nhất là quy định cộng dồn lãi suất vào hợp đồng vay thành khoản vay ngay từ ban đầu, người vay sẽ phải chịu lãi suất nhiều hơn số tiền vay ban đầu và bị trừ trước vào khoản vay. Ví dụ, nếu vay 1 triệu thì người vay chỉ nhận được 700.000 - 800.000 đồng, còn khoản gốc thì vẫn phải trả đầy đủ...

Nhiều người khi lâm vào hoàn cảnh túng bấn, gặp được một App nhiệt tình chào mời vay tiền thì “như vớ được vàng”, đã lập tức vay “nóng” mà không nghĩ đến khoản tiền lãi "cắt cổ" và cũng không tính toán được khả năng chi trả món nợ của mình hay những hệ lụy mà nó để lại.

Chị Trần Ngọc M. ở Cầu Giấy (Hà Nội) là một nạn nhân của việc vay tiền qua App. Hồi đầu tháng 5, do có việc đột xuất và cần một khoản tiền 5 triệu để giải quyết công việc. Chị M. đã lên mạng và tìm vào một trang cho vay tiền qua app, với thủ tục nhanh gọn, chị đã vay được số tiền này trong thời gian 1 tháng. Tuy nhiên, đến hạn, chưa thể trả, chị đã bị tính lãi phạt tới 30% của số tiền vay thực.

Những ngày sau đó, chị liên tục nhận được các cuộc gọi “khủng bố” đòi tiền. Không chỉ vậy, người nhà, người thân, bạn bè của chị không vay cũng bị đòi nợ theo. Sau nhiều ngày như thế, chị Minh đã rơi vào tình trạng hoảng loạn và run sợ mỗi khi nghe tiếng chuông điện reo…

Sự việc sau đó đã được chị M. trình báo tới cơ quan công an. Hiện vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.

Muôn vàn hình thức đòi nợ, khủng bố tinh thần các nạn nhân

Theo Vietnamnet, anh V.A.Đ (27 tuổi, trú tại TP. Hà Nội) cho biết mình bắt đầu vay tiền từ các app vào khoảng đầu năm 2019. “Tôi vay nhiều app như evay, ATM online, doctordong, vdong… nhưng tôi đã trả hết rồi. Số tiền vay 1-3,5 triệu đồng” - anh Đ. nói.

Dù đã trả hết tiền từ nhiều tháng trước nhưng trong tháng 11/2019, nhiều người gọi điện thoại thông báo là anh đăng ký vay lại, đang nợ không chịu trả.

Ngoài việc bị làm phiền thì người thân của anh Đ. cũng liên tục bị khủng bố. “Họ lấy hình ảnh tôi rồi ghép hình với nội dung mình nợ nần gửi cho tất cả bạn bè trên Facebook. Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã báo ngay cho công an khu vực phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) nhưng vẫn tái diễn” - anh Đ. nói.

Anh Đ. sau đó phải dùng phần mềm chặn số điện thoại lạ nhưng rất bất tiện. Chưa kể, dù bị dọa đã báo công an nhưng những đối tượng trên vẫn gọi tiếp, gọi không được thì gọi cho người thân.

Muôn vàn hình thức đòi nợ dở khóc, dở cười

Còn chị L. ở huyện Hóc Môn, TP.HCM thì cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Thấy nhiều app nên chị truy cập thử một app cho vay. Sau khi cung cấp số điện thoại, CMND, chụp ảnh mặt trước, sau của CMND, tên cơ quan, địa chỉ nhà thì chị ngưng vì thấy số tiền cho vay quá thấp nhưng lãi suất và phí quá cao.

Khoảng 30 phút sau chị nhận được tin nhắn báo “Chúc mừng bạn đã nhận được hạn mức vay. Hoàn thành bộ hồ sơ để nhận khoản vay”.

Tưởng vậy là xong, ai ngờ hằng tháng chị đều nhận được cuộc gọi nhắc nợ. “Tháng đầu thì họ còn nói nhẹ nhàng nhưng sau khi thấy tôi nói đi nói lại là tôi không phải người mà các chị đòi nợ thì nhân viên nhắc nợ quay qua chửi mắng bằng những lời thô tục, nào là kẻ ăn cướp, trốn nợ…” - chị kể.

Tuổi Trẻ dẫn tin, ngày 20/4, Công an TP.HCM vừa triệt phá một đường dây quy mô cho vay nặng lãi qua app (ứng dụng) do người Trung Quốc cầm đầu.

Hiện PC02 đã khởi tố, bắt tạm giam 5 nghi phạm gồm: Tu Long (28 tuổi), Yuan Deng Hui (27 tuổi), Lâm Cẩm Quyền (30 tuổi), Lài Thế Hùng (29 tuổi) và Chề Ngọc Trinh (25 tuổi) để điều tra tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự".

Trước đó, qua công tác điều tra, lực lượng công an phát hiện Công ty Vinfin, Công ty Beta, Công ty Đại Phát do một người phụ nữ Trung Quốc tên Niu Li Li (chưa rõ lai lịch) và Jiang Miao (39 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) làm chủ nhưng thuê người đang ở TP.HCM đứng tên giấy phép kinh doanh và đại diện pháp luật.

Một trụ sở cho vay qua app núp bóng công ty bị cơ quan chức năng phát hiện

Các công ty có trụ sở tại hai địa chỉ ở quận Bình Tân (TP.HCM) và "núp bóng" hoạt động, cung cấp các dịch vụ cho vay tiền nhanh thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại di động như "Vaytocdo", "Moreloan" và "VD online" với lãi suất rất cao.

Khi khách hàng vay qua app "Vaytocdo" thì vay lần đầu được tối đa 1,7 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận được hơn 1,4 triệu đồng, còn lại là phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, người vay phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 2 triệu đồng. Nếu khách hàng trả chậm sẽ bị phạt hơn 100.000 đồng/ngày.

Còn vay qua app "Moreloan" và "VD online", người vay lần đầu được duyệt 1,5 triệu đồng nhưng thực tế chỉ được nhận 900.000 đồng, còn lại là phí dịch vụ. Sau một tuần, người vay phải trả gốc vay 1,5 triệu đồng. Nếu khách trả chậm sẽ bị phạt 2-5% lãi suất/ngày.

Như vậy, người vay phải trả lãi suất lên đến 3%/ngày, tương đương 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm (vượt gấp 5 lần lãi suất theo quy định). Những khách hàng trả tiền đúng hạn sẽ cho "nâng cấp" vay tiền nhiều hơn, tối đa gần 2,8 triệu đồng.

Khi khách hàng không trả nợ đúng hạn, bộ phận thu hồi nợ khủng bố (đe dọa, chửi bới…) con nợ và tất cả những người thân, bạn bè lưu số trên danh bạ điện thoại người vay (bị lấy cắp lúc vay app). Nhiều người không chịu nổi áp lực phải xoay tiền để trả nợ cho yên thân.

Theo công an, trong quá trình điều tra phát hiện có khoảng 60.000 khách hàng vay nợ các app với tổng số tiền cho vay là 100 tỉ đồng. Khách hàng là "con nợ" ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam.

Đăng Khoa (t/h)