Bất động sản

Khu vực quy hoạch sông Hồng có những hoạt động gì?

Các bãi đất ven sông Hồng đa dạng về loại hình với đất chưa sử dụng, đất trồng hoa màu, làng xóm nằm ngoài đê và những cảng khai thác cát, trạm trộn bê tông.

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến phê duyệt vào tháng 6, có chiều dài khoảng 40 km bắt đầu từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Tổng diện tích khu vực nghiên cứu khoảng 11.000 ha; riêng sông Hồng chiếm 3.600 ha, đất bãi sông khoảng 5.480 ha (chiếm 50% tổng diện tích).

Quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Trong ảnh là phường Nhật Tân (Tây Hồ).

Theo đó, căn cứ vào quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, các bãi sông sẽ được nghiên cứu phát triển thành khu đô thị mới hoặc không gian mở (quảng trường đô thị, công viên ngập lũ...).

Theo quy hoạch, các tuyến đê qua khu vực nội đô giữ theo hiện trạng (đường 4-6 làn xe); các đoạn còn lại nâng cấp thành đường 4 làn xe. Thành phố cũng dự kiến xây dựng 2 tuyến đường cấp đô thị (6 làn xe) chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới.

Lãnh đạo Hà Nội cũng khẳng định, quy hoạch định hướng đô thị sông Hồng là trục vành đai xanh để phát triển cân đối hai bên bờ sông, không dồn các công trình vào dọc hai bên bờ sông và đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển.

Trong số 8 bãi sông được đề cập trong đồ án, 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức; riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha). Đối với hai khu vực Long Biên - Cự Khối, Bắc Cầu - Bồ Đề và những bãi còn lại tùy theo địa hình, vị trí sẽ được định hướng phát triển không gian mở.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin Pháp Luật, hiện nay ven sông Hồng có nhiều hoạt động khai thác cát và trồng trọt, canh tác hoa màu, cây cảnh.

Khu vực ven sông đoạn qua xã Liên Hà, huyện Đan Phượng có hoạt động khai thác cát và các nhà xưởng sản xuất chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng.

Đoạn chảy qua khu vực phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm có cảng Liên Mạc với hàng loạt bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông.

Hoạt động vận chuyển và hút cát của các tàu chở cát cũng nhộn nhịp.

Tại khu vực phường Nhật Tân, quận Tây Hồ vốn được người dân sử dụng để trồng hoa màu và cây cảnh từ lâu nay.

Tại đây cũng xuất hiện tình trạng đổ chất thải, vật liệu xây dựng để san lấp các hố ven sông.

Đoạn chảy qua khu vực bãi Hoàng Mai - Thanh Trì, đây là vùng được phép phát triển đô thị.

Dự kiến cầu Hồng Hà bắc qua sông Hồng đoạn qua huyện Đan Phượng là điểm đầu của đồ án quy hoạch.