Sự kiện

“Khu cách ly là chiến tuyến vô cùng quan trọng”

Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, khi kiểm tra tại khu cách ly tập trung 194 người có nguy cơ cao.

Sáng 2/2, PGS.TS Trần Như Dương đã có cuộc kiểm tra, giám sát tại khu cách ly tập trung thuộc Trung đoàn 125, BCH Quân sự tỉnh Hải Dương.

ThS.BS Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng cục Quản lý Môi trường, bộ Y tế cho biết, hiện nay, với 17 điểm tại các khu cách ly tập trung, đơn vị đã tiếp nhận 5.000 trường hợp đến cách ly. Mọi công tác chuẩn bị đều được chuẩn bị gấp rút, kịp thời với tinh thần chống dịch như chống giặc.

“Mọi công tác hậu cần đều được anh em chuẩn bị tốt. Dù số lượng người cách ly lớn nhưng chúng tôi động viên tất cả các anh em phải xác định với những khó khăn tự có thể giải quyết thì phải thật sự linh hoạt và nỗ lực”, bác sĩ Nam nói.

Khu cách ly tại Trung đoàn 125 được thiết lập ngay trong đêm 1/2, đến sáng nay (2/2) đã có thể tiếp nhận bệnh nhân. Hiện nay, toàn bộ khu cách ly đã đón 194 trường hợp đến cách ly. Công tác túc trực, theo dõi, giám sát y tế gần như được đảm bảo 24/24. Về nơi ăn, chốn ở, căn bản được đáp ứng kịp thời.

Khu cách ly tại Trung đoàn 125.

Cũng theo bác sĩ Dương Chí Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là vấn đề nhân lực. Trong vòng 1 tuần, ban chỉ đạo đã phải điều động tới mỗi khu cách ly 20 người, bao gồm cán bộ y tế, công an, quân đội... Như vậy, 17 khu cách ly này đã cần phải điều động 300 - 400 người quản lý, chưa kể đội ngũ lo việc ăn uống cho người dân, nên tổng quân số lên đến 600 - 700 người.

Nói về tầm quan trọng của các khu cách ly tại Hải Dương, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh: “Đây là một trong những tuyến vô cùng quan trọng của chúng ta. Cách ly là chiến tuyến ít được chú ý, nhưng lại vô cùng quan trọng. Quản lý hàng nghìn con người làm sao để đảm bảo an toàn y tế là chuyện không hề đơn giản. Chỉ cần họ tiếp xúc, giao lưu thì gần, xảy ra lây nhiễm chéo thì rất phức tạp, nguy hiểm”.

Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia bộ Y tế, tại các khu vực cách ly hiện nay đều có sự tham gia của các cán bộ văn hóa với nhiệm vụ tiếp sức tinh thần cho người dân.

“Tết đang cận kề mà lại phải xa gia đình hàng tháng trời thì không phải là chuyện đơn giản. Vấn đề động viên, ổn định tinh thần cho người được cách ly vô cùng quan trọng. Người dân ổn định tâm lý, thoải mái tinh thần thì mới có thể tin tưởng tuyệt đối vào hướng dẫn của lực lượng chức năng. Khi đã tin tưởng thì chắc chắn sẽ chấp hành nghiêm túc”, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trao đổi với các cán bộ làm việc tại khu cách ly.

Các cán bộ y tế tại đây luôn điện thoại, trao đổi, nắm bắt các khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tất cả đều xác định tinh thần nếu người dân hiểu, đồng thuận với mình, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đồng lòng chống dịch thì mới thành công.

“Tết đến đáng lẽ ra sẽ được ăn uống, mua sắm cùng gia đình nhưng phải vào đây thì ai chẳng có tâm tư. Nhưng tất cả chúng ta từ cán bộ đến người dân phải xác định đây là trách nhiệm chung, trách nhiệm công dân đối với xã hội, quê hương, cùng nhau gánh vác, đều là vì sức khỏe gia đình và bà con. Các đồng chí cùng nhau chia sẻ khó khăn và cố gắng khắc phục”, PGS.TS Trần Như Dương nói thêm.

Tết đang đến rất gần, để có thể có chỗ cho người dân cách ly, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ đã phải lập lán tạm trú, hàng trăm người vào cuộc túc trực, lo lắng cho từng bữa ăn, giấc ngủ của người được cách ly. “Nghĩa quân dân, tình đồng bào” cứ thế tỏa đi trong cuộc chiến chung với Covid-19 tại Hải Dương.