Môi trường

Không thể vì lợi ích doanh nghiệp mà bỏ rơi trách nhiệm với môi trường

Những điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là điểm thuận lợi, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.

Nhiều điểm mới của Luật gắn trách nhiệm doanh nghiệp

Chia sẻ tọa đàm “Triển khai Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - Góc nhìn từ doanh nghiệp" do Người Đưa Tin tổ chức ông Hoàng Văn Vy - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, môi trường gắn liền với sự phát triển và tồn tại của doanh nghiệp. Vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường”. 

Ông Hoàng Văn Vy - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo ông Vy, điểm đổi mới đầu tiên là Luật BVMT năm 2020 đã cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, giảm 40% thủ tục hành chính về môi trường cho doanh nghiệp; giảm đối tượng phải đánh giá tác động môi trường thêm 20%. Thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục với môi trường, ở Trung ương rút ngắn được 18 ngày và ở địa phương là 12 ngày. Trong đó, có tích hợp loạt giấy phép môi trường thành phần thành một loại giấy phép tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Tiếp theo, hiện nay Luật BVMT đã quy định phân loại rác tại nguồn. Đây là tiền đề để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp và trong phát triển doanh nghiệp nói chung. Nếu đẩy mạnh phát triển mô hình này sẽ giúp giảm phát thải, giảm áp lực cho xã hội và doanh nghiệp.

Cùng với đó, chuyển mô hình từ quản lý tuyến tính (sản xuất tiêu dùng và chất thải) sang mô hình kinh tế tuần hoàn (sản xuất tiêu dùng và chất thải được tái chế, tái sử dụng). Điều này sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Đồng thời, phát triển sản xuất vẫn bảo vệ được môi trường.

Luật BVMT 2020, chuyển đổi cơ chế kiểm tra chuyên ngành từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Như vậy sẽ giải quyết được những bất cập mà còn giúp giảm áp lực về kiểm tra chuyên ngành, tạo ra sự chủ động thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.

Thêm một điểm mới nữa là phân loại dự án. Theo ông Vy, trước đây, nếu không làm tốt điều này, nhiều doanh nghiệp khi vận hành dự án do áp lực từ môi trường bị đình chỉ hoặc bị di dời đến vị trí khác, gây ra nhiều lãng phí. 

“Nay thực hiện ngay từ đầu thông qua việc phân loại dự án nên giảm được rủi ro với các loại hình”, ông Vy nhấn mạnh.

Với những thay đổi trên, ông Vy nhận định, các quy định về bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ, nhiều điểm mới, nếu thực hiện tốt sẽ từng bước tăng cường hiệu lực, hiệu quả bảo vệ môi trường song song với phát triển doanh nghiệp. Việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tiến tới cấp hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ từng bước tiếp cận xu thế chung của thế giới. 

Để triển khai tốt Luật BVMT trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Vy cho rằng: “Cần triển khai luật đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; phải tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức, cá nhân hiểu để thực hiện; và phải có sự vào cuộc của toàn xã hội”.

Không phát triển kinh tế bằng mọi giá

Nhấn mạnh về vai trò, vị trí của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, TS. Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, bảo vệ môi trường là vấn đề rất bức xúc của xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới. Với tính cấp bánh đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề này.

TS. Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (Ảnh: Hữu Thắng).

“Phát triển kinh tế xã hội rất cần thiết nhưng không phát triển bằng mọi giá mà vẫn phải nghĩ đến môi trường, bảo vệ môi trường”, ông Quyền nói và cho biết giới luật gia cũng có trách nhiệm đóng góp cho công tác trên. 

Gầy đây, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 14 ngày 1/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, xác định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam phải tham gia tích cực vào tuyên truyền pháp luật, pháp lý cho mọi người.

“Với vị trí như vậy, Hội Luật gia Việt Nam coi việc đưa pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, đưa pháp luật vào đời sống nói chung. Trong đó pháp luật bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh. 

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 03 ngày 5/10/2018 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường; trên cơ sở đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định giao Hội Luật gia Việt Nam thực hiện nhiệm vụ “Tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp”.

Trên cơ sở đó, Hội đã có chương trình phối hợp với Bộ TN&MT tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho giới luật gia, nâng cao trách nhiệm về vấn đề bảo vệ môi trường để triển khai xuống cấp cơ sở.

Với gần 5 năm thực hiện, Hội Luật gia Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động tuyên truyền như: Tổ chức hơn 20 Hội nghị tập huấn trên toàn quốc cho giới luật gia 63 địa phương, xuống tận cơ sở xã phường và thu được nhiều kết quả.

“Ngoài ra, hàng năm chúng tôi tổ chức ngày bảo vệ môi trường thế giới, để triển khai cho toàn giới luật gia. Song song với đó là phát hành cuốn sách với gần 6.000 ấn phẩm và gần 60.000 tờ rơi liên quan đến vấn đề hướng dẫn thu gom rác thải tại nguồn để phổ biến đến giới luật gia tại các địa phương, nhận được sự hưởng ứng lớn”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết. 

Với vai trò đó, thời gian tới Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực của các đơn vị Hội Luật gia Việt Nam từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã phường. 

Đây là việc rất cần thiết, làm được điều đó luật BVMT sẽ được truyền tải xuống cho tất cả người dân, để Luật BVMT thực sự có hiệu quả trong thời gian tới. 

Nhấn mạnh về trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, riêng về vấn đề rác thải tại nguồn, doanh nghiệp phải có ý thức tốt thực hiện quy định pháp luật. 

“Luật đã quy định rất rõ,  muốn làm tốt lãnh đạo của các doanh nghiệp làm đúng quy định của Đảng và Nhà nước về xử lý rác thải, không thể vì lợi ích của doanh nghiệp mà bỏ rơi trách nhiệm với môi trường”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh. 

Để doanh nghiệp phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.

Theo ông Cường, xã hội liên tục vận động, trình độ công nghệ, nhận thức của người dân liên tục thay đổi theo chiều hướng đi lên. 

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (ảnh: Hữu Thắng).

Câu chuyện là làm sao các văn bản, thay đổi luật bám sát với thực tiễn. Không phải suốt ngày thay đổi mà phải được liên tục cập nhật, từ thời gian thực hiện, đánh giá tác động. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ yên tâm để thực hiện. 

Đồng thời, ông Cường cũng chia sẻ, nhận thức là một quá trình, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam làm sao giúp xã hội nhận thức hơn, đặc biệt về bảo vệ môi trường. 

Bởi, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như người lao động hay người dân đôi khi cũng chưa nắm được các quy định, đặc biệt với các văn bản mới.

Từ đó, ông Cường đề xuất, những khái niệm mới cần có tập huấn để cộng đồng tiếp nhận. Lý do là bởi không thể ngay lập tức thay đổi tập quán cũng như thay đổi thiết bị công nghệ, máy móc do có cả bài toán kinh tế.

“Chúng tôi xác định 3 trụ cột sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường là: Giảm thiểu nguồn thải - An toàn với môi trường - Tiết kiệm năng lượng. Luôn luôn cho rằng nếu làm tốt có thể giảm ảnh hưởng đến môi trường cũng như tăng sức cạnh tranh, năng lực chiếm giữ của doanh nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh.