Bạn đọc viết

Không thể tìm công lý bằng cái chết

Sự việc ông Lương Hữu Ph. (SN 1965, ngụ phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đến trụ sở tòa án nhảy lầu tự tử sau khi nhận phán quyết của TAND tỉnh Bình Phước về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt. Khẳng định đúng, sai là việc của cơ quan có thẩm quyền. Nhà phân tích, bình luận, sẽ mổ xẻ dưới góc độ pháp lý. Song, dù sao đi nữa, phía sau bản án luôn là thân phận một con người…

Hiện trường vụ việc.

Nếu cho rằng mình bị oan khuất cần kiên cường bảo vệ lý lẽ của bản thân và tìm sự công minh bằng đấu tranh chính đáng.

Có “vụ án kinh điển”, bị cáo bị khép vào án tử chờ ngày ra pháp trường “đền tội” đã tìm ra ánh sáng cuối đường hầm, chứng minh được oan sai và hiên ngang bước ra khỏi nhà lao.

Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang là một ví dụ, một tấm gương tày liếp cho cơ quan tiến hành tố tụng soi vào khi cầm cân nảy mực.

Biết đâu, nếu buông xuôi số phận, không kêu oan, ông Chấn đã có một kết cục khác. Dẫu biết rằng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, song chính nỗi sợ hãi “nhất nhật” kia là barie kìm cương bản năng “con ngựa bất kham” tiềm ẩn trong mỗi con người trong việc kiểm soát hành vi, phân biệt phải, trái bằng lý trí.

Mỗi vụ án có tính chất, mức độ và hành vi khác nhau, không thể so sánh đúng - sai giữa một vụ án có tình tiết tố tụng để khép tội với một vụ án oan sai.

Tuy nhiên, vĩnh viễn không thể tìm thấy công lý, sự công bằng phù hợp với thực tiễn khách quan… cho bản thân bằng cái chết.

Cái quan định luận, với hàm ý phán xét một con người đừng vội vàng quy chụp. Chỉ khi “cái quan”, mới “định luận”. Khi người ta mất đi, đóng nắp quan tài mới có thể kết luận người ấy tốt, xấu, độc ác hay nhân từ.

Đời người, suy cho cùng cũng là hành trình về cõi chết. Qua dâu bể, trầm luân, mấy ai mãi đúng không sai, mấy ai mãi sai không đúng?

Sáng suốt hay lạc lối, chết cũng là một dấu chấm hết, nhẹ như lông hồng. Song cũng có những cái chết lay động nhân tâm, bi phẫn, xót xa cho thân phận một con người. Có cái chết đặt ra lơ lửng một dấu hỏi chua chát về thời thế, về tình người.

Luận bàn về hình phạt, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới.

Quan trọng hơn, hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng, tuân thủ pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Một người tìm đến cái chết có lẽ là bước đường cùng trong bi kịch số phận. Tự mình tước đoạt mạng sống của chính mình, phụ “tinh cha, huyết mẹ” cũng là nỗi đắng cay thấu tận trời xanh.

Lại mong có hai chữ giá như của vòng thời gian xoay ngược, để mọi việc có thể được xem xét thấu tình, đạt lý, thu phục nhân tâm.

Pháp luật đặt ra là để trừng phạt hành vi phạm pháp, song pháp luật luôn có sự khoan hồng.

Hãy mở lượng khoan hồng khi còn có thể…

Trung Đông Phương

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả