Sức khỏe

Không thể "mất cảnh giác" với bệnh lao  

Ngày 23/3 tới, Việt Nam tổ chức hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Song mục tiêu đó không phải là dễ dàng.

Theo báo cáo  của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2018 ước tính ở nước ta có thêm 124.000 người mắc lao so với năm 2017 và có 12.000 chết do lao, cao hơn rất nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Đây là một con số đáng báo động bởi vài năm trước đây, con số này thấp hơn nhiều.

Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điêu tra toàn quốc năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8%/năm.

Vẫn có 124.000 ca mắc mới bệnh lao vào năm 2018.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, theo đó đến năm 2013 sẽ xóa sổ được căn bệnh này.

Ngày 26/9/2018 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử đã diễn ra cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao với sự cam kết của các nhà lãnh đạo cấp quốc gia các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Tại đây, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Việt Nam được đánh giá là nước mở đường và mô hình thành công triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao.

Với chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao của Việt Nam năm nay là: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”, Việt Nam tiếp tục đặt ra mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao một năm.

Tuy nhiên, với những con số mới công bố, Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc.

Để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao hiện nay là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030.

Vì vậy, cần thể chế hoá Nghị quyết của Trung ương Đảng và Chiến lược Quốc gia của Chính phủ bằng các văn bản pháp quy. Thách thức thứ hai cùng vô cùng quan trọng đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.

Lao là tình trạng nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, thường gặp nhất ở phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (lao màng não), hệ bạch huyết, hệ tuần hoàn (lao kê), hệ niệu dục, xương và khớp.

Hầu hết (90%) các trường hợp nhiễm khuẩn lao là tiềm ẩn không triệu chứng. 10% những người này trong cuộc đời họ sẽ tiến triển thành bệnh lao có triệu chứng, và nếu không điều trị, nó sẽ giết 50% số nạn nhân.

Nguyên nhân bệnh lao phổi phổ biến phải kể đến là:

Vi khuẩn MTB - loại vi trùng lao này được coi là nguyên nhân chính gây bệnh lao phổi và có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp.

Tiếp xúc với nguồn bệnh: Tiếp xúc với người mắc bệnh lao hoặc các loại chất thải chứa vi khuẩn lao có thể rất dễ bị lây nhiễm.

Ô nhiễm môi trường: Không khí có nhiều khói bụi, ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho khi khuẩn lao phát triển và là nguyên nhân bệnh lao phổi phổ biến hiện nay.

Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thực phẩm, vật nuôi nhiễm vi khuẩn lao… cũng là nguyên nhân bệnh lao phổi hay gặp.

H.Y (tổng hợp)