Văn hoá

Không phải đậu đỏ đây mới là món ăn đặc trưng nhất cho ngày Thất Tịch

Những năm gần đầy, giới trẻ quan niệm rằng, vào ngày Thất Tịch (ngày 7 tháng 7 âm lịch), nếu ăn một bát chè đậu đỏ sẽ gặp nhiều may mắn về tình duyên.

Lễ Thất Tịch được xem là ngày Lễ tình yêu của một số nước châu Á. Lễ Thất Tịch vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm trở thành ngày biểu tượng cho tình yêu đôi lứa ở một số quốc gia phương đông.

Tại Trung Quốc, Thất Tịch là một lễ hội quan trọng của người dân. Người Trung Quốc còn gọi nó là lễ hội Trùng Thất hay còn được coi là ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau hàng năm.

Ở Việt Nam, ngày lễ Thất Tịch hay còn gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”, trong ngày này, nhiều bạn trẻ rất tin vào những điều được tương truyền nên các cặp đôi nam nữ yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên ngày càng bền chặt, và sẽ mãi mãi bên nhau.

Ngưu Lang và Chức Nữ đã trở thành biểu tượng cho chuyện đôi lứa phải chia lìa. (Ảnh: Twitter).

Ngoài ra, mấy năm gần đây không biết vì một lý do nào đó mà từ Trung Quốc rồi lan sang Việt Nam trào lưu là những ai độc thân hay chưa có người yêu thì nên ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất Tịch để cầu nhân duyên, sớm gặp ý trung nhân.

Với người đã có đôi có cặp thì ăn đậu đỏ sẽ mang lại nhiều may mắn, tình cảm bền vững. Từ đó, phong tục cầu duyên này trong ngày Thất Tịch được lưu giữ và ngày càng nở rộ trong giới trẻ.

Bánh xảo quả. (Ảnh: CGTN).

Nhưng thực tế đậu đỏ không phải là món ăn đặc trưng nhất cho ngày Thất Tịch ở Trung Quốc. Theo Timeout, món ăn ngày Thất Tịch ở Trung Quốc phổ biến nhất là bánh xảo quả (qiaoguo). Ở Trung Quốc có rất nhiều phong tục trong ngày Thất Tịch liên quan tới món ăn và thay đổi theo từng vùng, nhưng xảo quả là món ăn đặc trưng nhất, nó được làm từ bột mì, đường, mật ong... nặn theo hình dạng khác nhau và nướng.

Bánh xảo quả có vị giòn của vỏ, quyện với vị ngọt của nhân. Mọi người tin rằng, ăn bánh xảo quả sẽ giúp vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ đoàn tụ trên cầu Ô Thước.

Quốc Tiệp