Góc nhìn luật gia

Không nhường đường cho xe ưu tiên bị phạt bao nhiêu tiền?

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Không nhường đường cho xe ưu tiên bị phạt bao nhiêu tiền? (Ảnh minh họa)

Xe nào được quyền ưu tiên?

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, có 5 loại xe được ưu tiên khi lưu thông trên đường đi làm nhiệm vụ. Thứ tự, mức độ ưu tiên lần lượt là:

- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ.

- Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường.

- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu.

- Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

- Đoàn xe tang.

Trừ xe tang, các loại xe còn lại khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Xác định tín hiệu của các xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ thế nào?

Hiện nay, tín hiệu của các loại xe được quyền ưu tiên đi làm nhiệm vụ khẩn cấp được quy định tại Nghị định 109/2009/NĐ-CP như sau:

- Xe chữa cháy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

- Xe ô tô quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

- Xe mô tô quân sự có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

- Xe ô tô Công an có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

- Xe mô tô Công an có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau, cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

- Xe Cảnh sát giao thông dẫn đường

+ Xe ô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh - đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

+ Xe mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

- Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

- Xe làm nhiệm vụ cứu hộ đê có cờ hiệu “HỘ ĐÊ” cắm ở đầu xe phía bên trái người lái.

- Xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh có biển hiệu riêng.

- Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật có cờ hiệu “TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP” cắm ở đầu xe phía bên trái người lái.

Lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên phạt bao nhiêu?

Theo Nghị định 109/2009/NĐ-CP, xe phạm lỗi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt theo mức sau:

Phương tiện Mức phạt
Ô tô Từ 3 đến 5 triệu đồng
Xe máy Từ 600.000 đến 1 triệu đồng
Máy kéo Từ 800.000 đến 1 triệu đồng

Như vậy, lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên có mức phạt tăng mạnh, đặc biệt là đối với ô tô.

Đề xuất cấm xe ưu tiên chạy ngược chiều trên đường cao tốc

Đây là nội dung tại Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến của người dân.

Theo đó, Điều 31 Dự thảo quy định các loại xe ưu tiên sau đây khi đi làm nhiệm vụ được phép đi vào đường ngược chiều (trừ đường cao tốc):

+ Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ.

+ Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường.

+ Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu.

+ Xe Thanh tra giao thông đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp trong các trường hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh, khắc phục sập cầu, đứt đường, xe đi giải quyết tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và các xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.

Đây là quy định mới so với Luật giao thông vận tải 2008, bởi Điều 22 Luật này cho phép các loại xe ưu tiên khi làm nhiệm vụ được chạy vào đường ngược chiều mà không loại trừ đường cao tốc như trong dự thảo sửa đổi.

Hoàng Mai