Thế giới

Không ngoài dự đoán, Nga mạnh tay nâng lãi suất để củng cố đồng rúp

Lần cuối cùng Nga thực hiện một đợt tăng lãi suất khẩn cấp là vào cuối tháng 2/2022 với mức tăng lên tới 20% ngay lập tức sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hôm 15/8 đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 350 điểm cơ bản lên 12%, một động thái khẩn cấp được thiết kế để chống lạm phát và củng cố đồng rúp (RUB) sau khi giá trị đồng tiền của Nga chạm mức thấp nhất kể từ khi chiến sự bùng phát ở Ukraine.

Cuộc họp bất thường của CBR diễn ra một ngày sau khi đồng rúp trượt giá mạnh, vượt qua ngưỡng 100 RUB đổi 1 USD hôm 14/8, do tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với cán cân thương mại của Nga và chi tiêu quân sự tăng vọt. Đồng rúp đã mất gần 1/3 giá trị kể từ đầu năm và chạm mức thấp nhất trong gần 17 tháng.

Trong một bài bình luận cho hãng thông tấn nhà nước TASS đăng hôm 14/8, ông Maxim Oreshkin, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đổ lỗi đồng rúp yếu là do “chính sách tiền tệ nới lỏng”, đồng thời nói thêm rằng Ngân hàng Trung ương Nga có “tất cả các công cụ cần thiết” để ổn định tình hình và ông mong đợi quá trình bình thường hóa sẽ sớm diễn ra.

Vài giờ sau bình luận của ông Oreshkin, CBR đã thông báo về cuộc họp chính sách khẩn cấp, mang lại cho đồng rúp một chút hỗ trợ. Nhưng tính đến lúc 8h29 giờ GMT (15h29 giờ Việt Nam) ngày 15/8, đồng rúp vẫn ở mức 98,03 RUB đổi 1 USD.

“Áp lực lạm phát đang gia tăng”, CBR cho biết trong một tuyên bố hôm 15/8. “Quyết định này (tăng lãi suất) nhằm hạn chế các rủi ro về ổn định giá. Sự trượt giá của đồng rúp đang ảnh hưởng đến giá cả và kỳ vọng lạm phát đang gia tăng”.

Người dân đi ngang qua trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ở Moscow, ngày 1/8/2023. Ảnh: Daily Sabah

Lần cuối cùng CBR thực hiện một đợt tăng lãi suất khẩn cấp là vào cuối tháng 2/2022 với mức tăng lên tới 20% ngay lập tức sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine. Sau đó, ngân hàng này đã dần dần hạ nhiệt lãi suất xuống 7,5% theo đà giảm của áp lực lạm phát vào nửa cuối năm 2022.

Kể từ lần giảm lãi suất gần đây nhất vào tháng 9/2022, CBR đã giữ nguyên lãi suất nhưng cũng luôn duy trì lập trường “diều hâu”, cuối cùng đã tăng 100 điểm cơ bản lên 8,5% tại cuộc họp chính sách hồi tháng 7 năm nay. Cuộc họp chính sách tiếp theo của CBR dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/9.

Nga chứng kiến lạm phát hai con số vào năm 2022. Sau khi giảm tốc vào mùa xuân năm 2023 do hiệu ứng cơ sở cao đó, lạm phát hàng năm hiện một lần nữa cao hơn mục tiêu mà CBR đặt ra, và vẫn đang tăng nhanh.

Số liệu thống kê chính thức từ CBR tuần trước cho thấy tỉ lệ lạm phát hàng năm ở Nga đã tăng lên 4,3% trong tháng 7, từ mức 3,25% trong tháng 6. CBR – đặt mục tiêu tỉ lệ lạm phát 4% – hiện đang kỳ vọng lạm phát trung bình 5-6,5% trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Nga đã loại bỏ tín hiệu rằng họ sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa, nhà phân tích trưởng của Sovcombank, Mikhail Vasilyev, cho biết, đồng thời giải thích rằng đó là một dấu hiệu cho thấy lãi suất đã đạt đỉnh.

“Chúng tôi tin rằng lãi suất chủ chốt sẽ duy trì ở mức 12% như hiện tại cho đến cuối năm”, ông Vasilyev nói. “Một chu kỳ cắt giảm lãi suất cơ bản có thể xảy ra sớm nhất là vào năm tới, khi lạm phát bắt đầu chậm lại”.

Minh Đức (Theo Reuters, AP)