Tâm sự

Không khói hoàng hôn cũng nhớ Phòng!

Lúc các phòng khác tất bật thì phòng Thư ký thong thả, lúc các phòng khác lần lượt ra về thì phòng Thư ký “vắt chân lên cổ chạy”.

Mượn tứ thơ này để nói về phòng Thư ký của báo ĐS&PL, là vì, với tôi, phòng Thư ký có giờ cao điểm hơi trái ngược: Lúc các phòng khác tất bật thì phòng Thư ký thong thả, lúc các phòng khác lần lượt ra về thì phòng Thư ký “vắt chân lên cổ chạy”.

Hôm nào ít tin hot thì còn được về sớm, hôm nào có tin hot thì thay tin đổi bài thì về lúc 1, 2h sáng là chuyện thường. Nên đã làm việc ở phòng Thư ký là phải xác định về muộn. Bởi thế, Phòng hình thành thói quen ăn bữa chiều, để có sức đợi tin “nóng” dành tặng độc giả mỗi sớm mai.

Tác giả bài viết hiện đang công tác tại nhà xuất bản Phụ nữ.

Hồi đầu, để có một bữa ăn chiều cho cả phòng, một người sẽ đứng ra gom tiền, ghi “order” và cử một người đi mua đồ. Rón ra rón rén vì sợ tiền bữa phụ lạm vào bữa chính của cả gia đình.

Sau rồi Phòng có sáng kiến mở một chuyên mục nhỏ trên báo, ghi lại những chuyện đời thường, những chuyện “nhòm qua lỗ khóa” mà độc giả nào cũng có thể nhẩn nha đọc để “trông người mà ngẫm đến ta”. Nhuận bút từ chuyên mục này được sung vào quỹ Phòng, để phục vụ cho bữa chiều.

Ban đầu, việc viết lách được chia đều cho từng thành viên trong Phòng, mà thực chất là các thành viên nữ. Cái khó là không phải ai cũng viết được, nên lại phải linh động phân công: Người không biết viết thì phải cung cấp câu chuyện cho người khác chắp bút. Chỉ chuyện có thật thì viết mới không bị “ngượng” bút. Ban đầu chuyên mục đi trơn tru. Vài tháng sau bắt đầu cạn nguồn nên phải kêu gọi cả cộng tác viên. Tuy nhiên, quanh đi quẩn lại thì các bài viết vẫn trông chờ chủ yếu vào đội quân chủ lực là các thành viên nữ trong phòng Thư ký.

Một ngày nọ, không khí buổi sáng trong phòng Thư ký trở nên khác thường. Mọi người nhớn nhác nhìn nhau, thì thầm to nhỏ ở góc này góc kia. Không phải lỗi morat. Không phải chú thích ảnh sai. Không phải bài báo nào đó bị nhân vật đòi “kiện ra tòa”. Sáng ấy thì khác. Căn nguyên của việc xôn xao từ đầu Phòng tới cuối Phòng là từ bài viết trong chuyên mục mà Phòng phụ trách.

Nhìn thái độ của mọi người đủ thấy mức “nguy hại” của bài báo kiếm bữa chiều cho phòng Thư ký lên cao đến độ sắp tuôn trào như núi lửa. Cuối cùng, căn cứ vào sự cạn kiệt nguồn tin, các tay bút của phòng Thư ký xin phép đóng chuyên mục “cải thiện bữa chiều”.

Ngồi ôn lại những ngày xưa cũ, khi còn là thành viên của phòng Thư ký của báo ĐS&PL, tôi luôn nhớ về những hoàng hôn bận rộn tối tăm mặt mũi. Nhớ ngày đầu tiên đi làm ở phòng Thư ký, trở về nhà lúc 21h, cô con gái 2 tuổi của tôi cứ đứng nhìn mẹ và khóc ròng, không nói được một lời nào. Nhớ cái cảm giác cô đơn lúc 2h sáng, đêm mùa đông tê má, một mình mở cửa vào nhà, thấy chồng hé mắt nhìn không hỏi thăm một lời nào, quấn thêm chăn và lạnh lùng quay lưng vào trong...         

Từ giây phút đó, tôi đã quyết định làm đơn xin ra khỏi phòng Thư ký, vì tôi biết nếu kéo dài tình trạng đi làm về muộn, có thể, tôi sẽ không giữ được lửa ấm cho gia đình nhỏ bé của mình.

Tôi vô cùng ngưỡng mộ những người từng là đồng nghiệp của mình, cho đến tận khi tôi viết bài này, họ vẫn kiên tâm ở lại, gắn bó với công việc thầm lặng, bận rộn, lắm lúc căng thẳng, đau đầu, ở phòng Thư ký. Mong họ hạnh phúc, cả trong công việc và trong cuộc sống!

Trương Ngọc Lan