Góc nhìn luật gia

Không giữ chức vụ tại SCB, tại sao bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố tội tham ô?

Tại sao không nắm giữ chức vụ gì tại SCB nhưng bà Trương Mỹ Lan vẫn bị truy tố tội Tham ô tài sản? Hay cùng một hành vi sai phạm lại bị xét xử với 2 tội danh?

Một hành vi 2 tội danh

Sáng ngày 5/3, Tòa án nhân dân Tp.HCM đưa ra xét xử bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và nhiều đơn vị, tổ chức liên quan. 

Bà Trương Mỹ Lan bị xét xử về các tội danh: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và đưa hối lộ.

Theo luật sư Nguyễn Thị Sương (Đoàn luật sư Tp.Đà Nẵng), trong vụ án này cùng một hành vi “rút tiền” tại ngân hàng để chiếm đoạt nhưng cơ quan điều tra, tố tụng xác định định bà Trương Mỹ Lan vi phạm 2 tội khác nhau là Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên toà ngày 5/3. 

Thực tế, do hành vi phạm tội của bị cáo trong tại SCB diễn ra trong một thời gian dài nên cơ quan tố tụng áp dụng cả 2 Bộ luật hình sự để truy tố. Cụ thể, trước ngày 1/1/2018, khi Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đang còn hiệu lực chưa quy định về hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân, ngân hàng. Lúc đó, Ngân hàng SCB là ngân hàng cổ phần, không có vốn Nhà nước. 

Hành vi của bà Lan đã thao túng, chi phối hoạt động của ngân hàng này, chỉ đạo các đồng phạm hợp thức hồ sơ vay vốn để rút tiền từ ngân hàng đã vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018, thì bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 1999.  

Hành vi phạm tội xảy ra sau thời điểm trên thì bị xử lý về tội Tham ô tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).  

Tại sao bị xử tội tham ô?

Ngoài tính chất, quy mô của sai phạm, nhiều người thắc mắc rằng SCB không phải ngân hàng công, bà Lan cũng không nằm trong ban lãnh đạo SCB, nhưng vì sao bị can lại buộc tội tham ô?

Về vấn đề này, TS. Đặng Văn Cường (giảng viên Luật hình sự, Đại học Thuỷ Lợi) cho biết, theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, tham ô có thể hiểu là hành vi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Tuy bà Lan không giữ chức vụ quyền hạn tại SCB, nhưng thực quyền do bà Lan nắm giữ. Những chỉ đạo, điều hành liên quan đến hành vi phạm phạm tội đều do người phụ nữ này thực hiện, do đó cơ quan tố tụng có đủ căn cứ truy tố tội tham ô.  

Theo cáo trạng, SCB được thành lập cuối tháng 11/2011, trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là người nắm giữ hầu hết cổ phiếu tại các ngân hàng này.  

Sau khi hợp nhất, bà Lan nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu hơn 85,6% cổ phần của SCB, đồng thời tiếp tục mua và để cá nhân khác đứng tên cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,5%. 

Phiên toà dự kiến kéo dài 2 tháng, tới ngày 29/4/2024.

Để nắm quyền chi phối, điều hành toàn bộ hoạt động của SCB, bà Lan đã tuyển người thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt và trả mức lương cao từ 200 - 500 triệu đồng/tháng. 

Từ đó, bà Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi và vốn, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân. 

Theo kết quả điều tra, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp thuê hoặc nhờ người đứng tên.

 Ngoài việc câu kết và chỉ đạo các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật hoặc được giao quản lý các công ty thực tế, bà Lan con tạo lập các công ty “ma” đứng tên hồ sơ vay vốn, tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống nhằm rút tiền của ngân hàng. 

Theo cáo trạng, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Hành vi của Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỷ đồng. Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, nữ “chủ tịch ngầm” này tiếp tục chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372 tỷ đồng.