Tiêu điểm

Không được từ chối bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần rà soát tính đồng bộ của Luật để đảm bảo luật dễ nhớ, đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao.

Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức

Tại Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức ngày 9/2, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết sau gần 12 năm thực thi,bên cạnh các kết quả tích cực, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó, quan trọng nhất là sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) làm tiền đề cho việc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhu cầu cấp thiết và cần sớm được triển khai nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trùng lặp, chồng chéo với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; vai trò của cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bán hàng đa cấp...

Các đại biểu dự hội thảo.

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người yếu thế, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nhấn mạnh, người yếu thế có thể rất dễ bị tổn thương nếu như quyền lợi của họ không được đảm bảo hoặc không được quan tâm khi mua bán sản phẩm, hàng hóa.

Do đó, trong dự án Luật cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế như người tàn tật, khuyết tật, người nghèo...

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế được hiệu quả hơn, trong dự án Luật cần quy định rõ các tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm không được từ chối bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế, dễ bị tổn thương...

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, những ý kiến, đề xuất của dự án Luật sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa, làm rõ hơn để trình Quốc hội cho ý kiến, đóng góp tại Kỳ họp thứ 5 tới nhằm đảm bảo tốt hơn lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng.

Để Luật đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và các doanh nghiệp đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Để dự án Luật trình lên Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 5 tới đạt hiệu quả, chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần rà soát về tính đồng bộ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các luật khác; tránh sự chồng chéo để đảm bảo luật dễ nhớ, đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; đánh giá tác động qua quá trình thực hiện luật Luật trong xử lý tranh chấp giữa doanh nghiệp, các bên liên quan đến người tiêu dùng.

Mặt khác, cũng cần đề cập rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức trọng tài trong giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vẫn có thể tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến đầy đủ của các vùng, miền đối với các nội dung trong dự án Luật.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp qua các cuộc họp, hội thảo đã và sẽ tiếp tục triển khai, các cơ quan tiếp tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến để hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.