Sự kiện

Không được chậm tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Bài học từ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 cho thấy: GPMB là nút thắt về tiến độ; vật liệu đất đắp là yếu tố then chốt; năng lực nhà thầu, BQLDA là đặc biệt quan trọng.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 2 Ban Chỉ đạo.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao Bộ GTVT và các địa phương bám sát công việc trong một tháng vừa qua; nhờ có sự thống nhất chỉ đạo từ trung ương đến địa phương, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, khí thế sôi động trên công trường thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực để đạt được mục tiêu hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Trên tinh thần quyết tâm, đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, bám sát quy định pháp luật, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan đơn vị cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc giai đoạn 2017-2020 và hoàn thành đúng tiến độ các thủ tục liên quan đến dự án thuộc giai đoạn 2021-2025 bảo đảm đúng thời hạn Chính phủ giao tại Nghị quyết 18 ngày 11/2/2022.

2 dự án thành phần giai đoạn 1 vẫn chậm tiến độ

Theo số liệu báo cáo của Bộ GTVT, sản lượng xây lắp 4 dự án hoàn thành năm 2022 trung bình đạt 53,4% giá trị hợp đồng; 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 31,6% giá trị hợp đồng; 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 6,4% giá trị hợp đồng.

Về cơ bản các dự án đều đáp ứng kế hoạch, tuy nhiên Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 12,2% giá trị hợp đồng và Dự án Phan Thiết - Dầu Giây chậm 0,47% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ là do việc giải quyết nguồn vật liệu đắp nền đường chưa đáp ứng yêu cầu. 

Hiện nay, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 12,2% giá trị hợp đồng và dự án Phan Thiết - Dầu Giây chậm 0,47% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình chỉ đạo kiểm điểm việc thực hiện, xử lý hồ sơ cấp phép mỏ vật liệu của các sở, ngành liên quan; lãnh đạo Bộ GTVT tổ chức làm việc trực tiếp tại công trình với các Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công để làm rõ các vướng mắc và chỉ đạo phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ vật liệu để đáp ứng tiến độ thi công hạng mục nền đường (là hạng mục quyết định đến tiến độ của toàn dự án). 

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét kiến nghị của các địa phương để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cung cấp vật liệu đắp nền đường.

Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra tiến độ thực tế tại công trường; yêu cầu các Ban quản lý dự án, nhà thầu có cam kết tiến độ cụ thể theo điểm dừng kỹ thuật; kịp thời xử lý, thay thế nhân sự, điều chuyển khối lượng công việc nếu cần thiết trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu.

Bộ GTVT chỉ đạo, yêu cầu: Ban Quản lý dự án, tư vấn đặc biệt chú trọng đến quản lý chất lượng công trình, không chạy theo tiến độ mà bỏ qua chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệm thu của dự án; các nhà thầu tiếp tục tăng cường thiết bị và nhân lực để đáp ứng kế hoạch tổ chức thi công (Ban Quản lý dự án có trách nhiệm kiểm đếm, đánh giá trên công trường hàng ngày đối với từng gói thầu, từng dự án).

Rút kinh nghiệm để triển khai giai đoạn 2

Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã thực hiện tốt công việc theo các mốc tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 và số 18 ngày 11/2/2022 của Chính phủ.

Từ bài học thực tiễn vô cùng đắt giá của giai đoạn 2017-2020 đã được chỉ ra là: công tác đền bù giải phóng mặt bằng là nút thắt về tiến độ, vật liệu đất đắp nền đường là yếu tố then chốt để hoàn thành dự án, kế đến là năng lực, trình độ của Ban quản lý dự án và nhà thầu là đặc biệt quan trọng.

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị phải quán triệt sâu sắc bài học này, tập trung giải quyết bằng được tồn tại, hạn chế, không để xảy ra tình trạng này khi triển khai Dự án giai đoạn 2021-2025.

Thực tế cho thấy công tác đền bù giải phóng mặt bằng là nút thắt về tiến độ.

Trong thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cụ thể, chi tiết đối với các mỏ vật liệu xây dựng (bảo đảm đúng, đủ trữ lượng và chất lượng theo yêu cầu của từng dự án) và các thủ tục liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương…; khẩn trương chỉ đạo lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu triển khai công tác lập hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành phê duyệt đánh giá tác động môi trường, thẩm tra khung chính sách giải phóng mặt bằng; chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ theo ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với Hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ được giao.

Bộ Quốc phòng khẩn trương thống nhất thỏa thuận hướng tuyến của đoạn Hậu Giang - Cà Mau, chậm nhất trong tháng 4/2022 để Bộ GTVT hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự án thành phần này.

Bộ GTVT rà soát tiến độ theo đường găng đến ngày 30/6/2022 phải hoàn thành phê duyệt các dự án thành phần; thường xuyên, định kỳ kiểm điểm từng nội dung, công việc để kịp thời có giải pháp phù hợp, không được chậm theo các mốc tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 18; khẩn trương bàn giao mốc mặt bằng đối với phần còn lại cho địa phương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/5/2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương triển khai các nhiệm vụ Chính phủ giao về hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.