Tài chính - Ngân hàng

Không dùng tiền mặt: Ưu điểm vượt trội nhưng vẫn... nghẽn

Mặc dù lượng lưu thông tiền mặt vẫn tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì việc thanh toán không bằng tiền mặt sẽ là xu hướng tất yếu. Vấn đề còn lại là làm sao giải quyết được những tồn tại hiện nay, đặc biệt là tính bảo mật, an toàn – an ninh mạng, nâng cấp cơ sở hạ tầng…

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh

Hiện, chính phủ các nước đều rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử, bởi những lợi ích. Với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn.

Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt…

Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người dân.

Nhiều đơn vị đang hưởng ứng không dùng tiền mặt.

Thực tế, tại Việt Nam, trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017; Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.

Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).

Hạ tầng cho thanh toán trực tuyến đã khá phát triển tại Việt Nam.

Đến cuối tháng 4/2019, trên toàn quốc có hơn 18.700 ATM, hơn (tăng tương ứng 4,25% so với cùng kỳ năm ngoái), số POS đạt được 266.700 POS và hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học,...).

Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên: đến cuối tháng 3/2019 đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018. Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và là điều kiện tiên quyết để tạo mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Sợ mất an toàn

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Một thực tế là thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng, bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử. Theo báo cáo World Cash Report 2018 của G4S, trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011”.

“Số liệu trên cho thấy, mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ và một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới”, ông Anh cho biết thêm.

Xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng...

Vì đâu còn tình trạng này? “Xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng... Đây là điều mà các cơ quan quản lý của Việt Nam đang và sẽ rất lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt”, ông Anh cho hay.

Do đó, hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc NHNN cho biết thêm: "Hiện, ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, vận hành liên tục 24x7, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ”.

Đồng thời, phải “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng mạng 4.0 trong ngành ngân hàng, tăng cường hợp tác ngân hàng-Fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng. Và quan trọng hơn là phải đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng”, ông Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” tổ chức tại TP.HCM sáng 11/6