Giáo dục

Không để học sinh "phải tự nguyện" xin học thêm

Chế độ cho giáo viên, tự chủ trong trường phổ thông, chương trình sách giáo khoa là những vấn đề được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Sáng nay (12/8), Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, với 64 điểm cầu trên cả nước đã được diễn ra. Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến của địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra những lưu ý cho ngành giáo dục trong năm học tới đây.

Ghi nhận những khó khăn mà những người làm giáo dục gặp phải do ảnh hưởng của đại dịch, Phó Thủ tướng bày tỏ trân trọng những nỗ lực của toàn ngành, đánh giá cao khi Việt Nam duy trì thứ hạng của quốc tế, tiếp tục đổi mới chương trình sách giáo khoa. Để có được kết quả như vậy là nhờ sự đóng góp của giáo viên và học sinh và toàn ngành suốt thời gian qua.

“Giáo dục hay bất kỳ ngành nào cũng phải gắn với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta đang ở mức trung bình thấp nhưng giáo dục lại đòi hỏi như ở những nước phát triển nhất.

Ngành giáo dục được cả xã hội quan tâm vừa là may mắn vừa là áp lực, vì vậy phải chuẩn bị kỹ lưỡng, lấy ý kiến công khai trong các vấn đề”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Hội nghị được diễn ra ở 64 điểm cầu.

Nhìn thẳng những bất cập yếu kém

Ngoài những vấn đề cần có sự phối với của Chính phủ, liên ngành, những công việc liên quan đến chuyên môn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị cần nhìn thẳng những bất cập yếu kém do chủ quan mang lại như câu chuyện chương trình sách giáo khoa thời gian qua.

Phó Thủ tướng đánh giá “Chúng ta còn loay hoay chuyện thi cử, trong kiểm tra, dạy thêm, học thêm, sách tham khảo vì chúng ta chưa trung thực trong giáo dục”.

Trước vấn đề này các địa phương phải quyết liệt rà soát dạy thêm học thêm, sách tham khảo để không có chuyện để học sinh "phải tự nguyện" xin học thêm, xin tổ chức lớp học, xin mua sách tham khảo, tại một số nơi vẫn có cá biệt những trường hợp như vậy diễn ra.

Liên quan đến các chế độ của giáo viên, lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị chủ động, đề xuất các cơ chế về học phí, tự chủ đề các trường ở những địa phương phù hợp có thể tự chủ lương cho giáo viên, giảm biên chế hưởng lương của Nhà nước, dành biên chế đấy ở những địa phương khó khăn hơn.

Đẩy mạnh thực chất việc dạy và học để phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ. Nếu như trước kia giáo dục chú trọng nhấn mạnh trí, đạo đức lý tưởng, thể dục nhưng bây giờ là “mỹ”. Muốn phải triển toàn diện phải lưu ý đến mỹ, một tâm hồn đẹp chắc chắn sẽ hướng thiện hơn.

Đặc biệt cần quyết liệt đổi mới quản lý Nhà nước, thực hiện đúng vai trò vị trí của Bộ trong quản lý Nhà nước, đảm bảo chất lượng giáo dục được nâng lên.

Cuối bài phát biểu, Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc ứng dụng khoa công nghệ để nắm nguồn lực của ngành, cơ sở vật chất, gắn thông tin dân số để chủ động sắp xếp đủ lớp, đủ trường học, đủ giáo viên.

Riêng về việc trích kinh phí mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, cần nhanh chóng thực hiện để kịp cho năm học mới.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bô GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá: “Trong 12 tháng tới các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và sách giáo khoa mới cho các lớp, lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cũng trong 12 tháng tới tiến hành thẩm định, in ấn, xuất bản cho các lớp 4, 8, 11 và tổ chức triển khai biên soạn cho các lớp 5, 9, 12. Tất cả những nhiệm vụ lớn đó đều sẽ diễn ra trong 12 tháng tới”

Lãnh đạo ngành giáo duc mong các Bộ, ngành, lãnh đạo địa phương phối hợp tốt cùng ngành đẩy nhanh tiến độ và chuẩn thời gian cho các việc như lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, sử dụng thật tốt các chỉ tiêu biên chế mà ngành vừa có để bổ sung nguồn giáo viên.