Giáo dục

Không công khai danh tính các thí sinh: Còn bao bọc, còn nhiều gian lận!

Nhiều địa phương bị phát hiện gian lận trong các kỳ thi THPT Quốc gia với quy mô và tính chất nghiêm trọng. Nếu tiếp tục bao bọc với lý do "nhân văn", sẽ vô tình "vẽ đường cho hươu chạy".

Những ngày qua, xoay quanh vụ gian lận thi THPT Quốc gia, dư luận đang có hai luồng phản ứng: Một là phải công khai danh tính các thí sinh gian lận điểm để đỗ đại học vì đó là việc làm cần thiết, thể hiện sự minh bạch và cũng là để răn đe cho “thế hệ tương lai”; một thì cho rằng không nên vì làm như vậy, sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của thí sinh.

Bao bọc thí sinh sẽ không có giá trị răn đe

Trước vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ quan điểm cho rằng việc công khai danh tính các thí sinh trong vụ gian lận là cần thiết: “Nhiều người cho rằng, trẻ con không có lỗi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các thí sinh đã không còn là trẻ con, đã đủ 18 tuổi, phải chịu trách nhiệm trước tất cả hành vi của mình. Nếu bản thân các thí sinh không muốn làm những việc như thế thì cũng không có ai có thể ép buộc được.

Hơn nữa, bản thân mỗi thí sinh sẽ tự nhận thức được những gì mình đã làm, cơ bản sẽ tự đánh giá được kết quả bài thi mình thực hiện đến đâu. Khi làm bài mà thấy điểm của mình chênh lệch quá cao như vậy, nếu thí sinh thực sự là một người trung thực, sẽ phải có ý kiến với hội đồng thi. Còn ở đây, các thí sinh đó đã im lặng và hưởng thụ các kết quả sai đó, thì cũng là một hành vi “đồng lõa” với hành động sai trái.

Bản thân những người tham gia vào, chưa nói đến các phụ huynh, mà ngay cả các thí sinh cũng cần phải “trả giá”, cần phải công khai danh tính cho tất cả mọi người cùng biết rằng các thí sinh đó đã nhờ gian lận mà có kết quả thi tốt như vậy. Trong bài thi, không có ghi tên phụ huynh, chỉ ghi tên thí sinh nên mỗi thí sinh phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Đó là thể hiện sự công bằng”.

“Nếu cứ mang nỗi lo “tương lai” sau này cho các thí sinh đó ra làm cái cớ để không công khai, thì cần nhìn nhận lại, tất cả các thí sinh thực học khác, chỉ vì những thí sinh gian lận mà mất đi một suất trúng tuyển vào trường, biết kêu oan với ai.

Nếu cứ tiếp tục bao bọc, “nghĩ hộ” cho các thí sinh có kết quả gian lận, sẽ không bao giờ có giá trị răn đe đối với các thí sinh khác, những năm tiếp theo sẽ lại tiếp tục xuất hiện rất nhiều gian lận. Còn nếu công khai, các năm tiếp theo sẽ hạn chế được tình trạng này”, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội phân tích.

TS. Vũ Thu Hương cũng chia sẻ: “Nếu nhìn nhận rộng ra, có thể nhận thấy, có rất nhiều bạn trẻ từng va vấp trong cuộc sống, cũng bị công khai danh tính, nhưng sau đó đã quyết tâm làm lại thật tốt và đã gặt được thành công.

TS. Vũ Thu Hương khẳng định, tiếp tục bao bọc cho các thí sinh chỉ dẫn đến nhiều gian lận hơn.

Ví dụ như Hoàng Thùy Linh, những sự cố xảy ra với cô ấy rất lớn, không chỉ đơn thuần là sự cố liên quan đến việc học hành thi cử. Tuy nhiên, cô ấy vẫn vượt qua được và cũng đã có những bước thành công nhất định trong sự nghiệp”.

Theo bà, việc công khai danh tính cũng là một hình thức “trả giá” phù hợp cho các thí sinh sau những việc liên quan đến gian lận. Khi công khai danh tính thí sinh, chắc chắn, phụ huynh cũng sẽ là những người bị “trả giá”.

Phụ huynh phải trực tiếp chịu trách nhiệm

Trước những tranh luận về việc công khai danh tính và làm rõ trách nhiệm đối với các phụ huynh trong vụ gian lận, chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu Bùi Ngọc Phúc, tác giả cuốn sách “Cùng con bước qua các kỳ thi” nhìn nhận: “Việc công khai và truy trách nhiệm đến cùng đôi với các phụ huynh là đúng, bởi vì những vụ việc này xảy ra không thể chỉ có lỗi do người chấm thi, không ai tự nhiên nâng điểm khi không nhận được lợi lộc gì.

Phụ huynh và các cán bộ cấu kết với nhau mua bán điểm, cầu sinh ra cung, nên cần chỉ rõ gốc của vấn đề. Nhiều phụ huynh đã chạy cho con thành thủ khoa, sau này, khi con ra trường sẽ tiếp tục chạy suất cho con có ghế trong một cơ quan nào đó”.

ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, giảng viên khoa Công tác xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng: “Việc công khai tên các thí sinh nên ở một chừng mực nào đó, có thể viết tắt cũng là một cách để răn đe và bảo mật một phần thông tin.

Về phía phụ huynh, nếu tìm ra chứng cứ, phải công khai thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lỗi chủ yếu nằm ở những phụ huynh trực tiếp bỏ tiền mua điểm thi”.

“Nhiều trường hợp thí sinh có điểm thi cao, thậm chí là thủ khoa nhưng khi trở thành sinh viên trong trường lại không theo được phải nghỉ học, nếu coi đó là cơ chế tự loại bỏ thì cũng tốt cho môi trường đại học.

Chính vì thế, các trường đại học cũng phải nhấn mạnh nhiều đến chất lượng đào tạo, đảm bảo năng lực của sinh viên. Từ đó, sẽ sàng lọc được những sinh viên thực học.

Trong các mùa thi tiếp theo, cần phải siết chặt hơn trong từng giai đoạn của kỳ thi để tránh xảy ra những tiêu cực, gian lận trong thi cử”, ThS. Phương khẳng định.

Xem thêm clip: Bộ GD&ĐT nêu quan điểm việc không công khai danh sách thí sinh gian lận: