Văn hoá

Không có chân, rắn đào hang như thế nào?

Rắn không thể đào hang, nhưng đôi khi chúng có thể chui xuống lớp đất mềm, tơi xốp hoặc cát.

Rắn là tên gọi chung để chỉ một nhóm các loài động vật bò sát ăn thịt, từng có chân và thân hình tròn dài (hình trụ), thuộc phân bộ Serpentes. Giống như các loài bò sát có vảy khác, rắn là động vật có xương sống, có màng ối, ngoại nhiệt với các lớp vảy xếp chồng lên nhau che phủ cơ thể. Phần lớn các loài rắn không có nọc độc, còn những loài nào có nọc độc thì chủ yếu sử dụng nó vào việc giết chết hay khuất phục con mồi thay vì để phòng vệ. Một số loài có nọc độc mạnh tới mức đủ gây ra vết thương đau nhức hay gây tử vong cho con người. Các loài rắn không nọc độc hoặc là nuốt sống con mồi hoặc là giết nó bằng cách quấn và vặn xiết.

Khoảng 3.000 loài rắn đang tồn tại trên hành tinh, trong đó khoảng 450 loài có độc. 250 loài rắn có nọc độc đủ mạnh để có thể giết người.

Theo trang Snake Removal, dù rắn thường là loài sống trong hang nhưng phần lớn các hang đó không phải do chúng tạo ra. Thông thường, chúng sẽ tìm các hang, lỗ - vốn là "nhà" của các động vật khác (ếch, rùa, chuột) để trú ngụ. Nếu "chủ" thực sự của hang vẫn còn bên trong, rắn sẽ tấn công, thậm chí ăn thịt để chiếm hang. Nếu hang bỏ hoang, rắn nghiễm nhiên trở thành "chủ" mới.

Để trả lời câu hỏi: Rắn có thể đào hang dưới đất hay không? Trang Snake Removal đưa ra câu trả lời là không. Rắn không thể đào hang, nhưng đôi khi chúng có thể chui xuống lớp đất mềm, tơi xốp hoặc cát. Tuy nhiên, đây được xem như là hành động tự vùi mình thay vì đào hang.

Theo trang Petshero, rắn là loài thích cảm giác an toàn, vì vậy, chúng rất thích ẩn náu trong hang, lỗ. 

Rắn là hình tượng khá quen thuộc trong đời sống văn hóa người Việt Nam và nhiều cộng đồng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Nó là một trong những biểu tượng thần thoại lâu đời nhất và phổ biến nhất của thế giới loài người. Loài rắn đã được kết hợp với một số các nghi lễ cổ xưa nhất được biết đến của nhân loại và rắn đại diện đồng thời biểu hiện cho hai mặt thiện và ác.

Đối với người Việt Nam, rắn không phải là loài vật thân thiện với con người. Trong quan niệm dân gian, rắn là con vật hiểm ác, tinh quái và có phần gian xảo. Nhưng cũng chính vì những đặc tính đó mà con người thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn như một vị thủy thần để cầu thân với rắn, mong rắn không làm hại người.

Rắn là một biểu tượng trong văn hóa của nhiều quốc gia. (Ảnh minh họa).

Ở châu Úc, các thổ dân tôn sùng rắn vì rắn tượng trưng cho tính âm, nguồn nước, có liên hệ mật thiết với nông nghiệp.

Ở Ai Cập, rắn là biểu tượng của thánh thần, sự thông thái và khả năng tiên tri về tương lai. Rắn được coi là thần hộ mệnh cho các bậc vua chúa nên vương miện của các pha-ra-ông thường chạm trổ hình rắn.

Ở châu Âu, tục thờ rắn phổ biến quanh lưu vực những con sông ở Hy Lạp. Ở đây, rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực về khả năng sinh sản.

Thần rắn Naga. (Ảnh minh họa).

Ở Ấn Độ rắn đại diện cho các vị thần. Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là con rắn lớn, là tên gọi của vị thần rắn trong Ấn Độ giáo. Rắn Naga được gắn với hai vị thần quan trọng là Vishnu và Shiva, với ý nghĩa cuộn tròn lấy cái gốc của trục thế gian, biểu trưng cho sự sinh thành, phát triển và hủy diệt, nâng đỡ và bảo đảm sự ổn định của thế giới.

Ở Đông Nam Á, tục thờ rắn cũng rất phổ biến. Trong tín ngưỡng dân gian của người Campuchia, họ thờ cúng thần rắn Naga.

Quốc Tiệp (t/h)