TV Show

Không chỉ là một đại tham quan, Hòa Thân còn là người có thực tài và “có ân tất báo”

Không thể phủ nhận tài năng của Hòa Thân bởi nếu chỉ nhờ sự khôn khéo để lấy lòng vua mà không có thực tài thì Hòa Thân không thể có được nhiều trọng trách và đặc quyền như vậy.

Tranh vẽ về quan đại thần Hòa Thân dưới triều vua Càn Long của Trung Quốc. 

Hòa Thân (1750-1799) là một vị quan đại thần của triều Mãn Thanh thời vua Càn Long. Xuất thân là một công tử Mãn Châu, khi 10 tuổi ông được đưa vào cung học. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vụ thị vệ. Sau được vua Càn Long sủng ái cùng với năng lực bản thân, Hòa Thân đã giữ nhiều trọng trách trong triều đình.

Tinh thông nhiều thứ tiếng

Thuở nhỏ Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học cùng xuất thân Bát kỳ khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế.

Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.

Nhờ tinh thông Tứ thư, Ngũ kinh và nhiều thứ tiếng nên dù không tiến thân bằng gia thế hay từ công danh khoa bảng. Hòa Thân sau đó vẫn được thăng tiến dần lên các chức hàm quan trọng trong triều đình như: Đại học sĩ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc.

Có ân tất báo

Hòa Thân là người “có ân tất báo”.

Khi Hòa Thân nắm quyền quản lý, giám sát kỳ thi Hội. Hai người thầy năm xưa của ông là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang bất ngờ đến thăm và bái Hòa Thân làm thầy. Bởi hai người nhiều lần thi trượt, nên lần này muốn Hòa Thân giúp đỡ. Hòa đại nhân cũng không quên ân xưa, âm thầm mua chuộc thái giám bên người Hoàng đế.

Từ đó, ông biết được Càn Long gần đây thường đọc những phần nào của "Tứ thư", lại nắm rõ Hoàng đế đang quan tâm đến vấn đề gì nên gần như đoán chính xác phạm vi ra đề. Năm ấy, hai người thầy họ Ngô nhờ sự giúp đỡ của Hòa Thân nên đã thi đỗ, thuận lợi bước lên con đường làm quan.

Có tài quản lý tài chính, ngoại giao

Trước nội vụ phủ thường xuyên thu không đủ chi. Sau khi Hòa Thân nhậm chức tổng quản, nội vụ phủ đã dư dả. Hòa Thân không chỉ giỏi đánh sưu cao thuế nặng với các phú thương buôn bán lớn, các cơ sở sản xuất muối, những đại sứ ở biên ải hay các chính quyền địa phương các tỉnh, mà Hòa Thân còn chủ trương thực hiện chính sách “Nghị tội ngân” (luận tội phạt tiền) tại triều, nên quan lại trở nên tham nhũng khủng khiếp.

Tiền phạt của các quan viên từ các tỉnh ngày càng nhiều, trở thành một nguồn tài chính lớn chảy vào kim khố của hoàng đế, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của cuộc sống xa hoa, thích khoe khoang phô trương của Càn Long, về điều này Hòa Thân được Càn Long vô cùng tán dương.

Hòa Thân từng nhiều lần phụ trách tiếp sứ thần Triều Tiên, Anh... Trong “Thanh đại danh nhân truyện lược” có ghi rằng: Vào năm 1792 năm thứ 57 Càn Long, sứ thần nước Anh đã bình luận: Hòa Thân là người "luôn giữ thân phận tôn nghiêm của mình”, “thái độ hòa nhã dễ gần, nhìn nhận vấn đề rất sắc bén sâu sắc, không hổ là một chính trị gia lão luyện”.

Uốn ba tấc lưỡi, dễ dàng hóa nguy thành an

Hoà Thân rất được lòng Càn Long.

Tương truyền, có lần Càn Long hỏi Hoà Thân: “Khanh là trung thần hay gian thần”.

Hoà Thân đáp: “Thần không phải trung thần, cũng không phải gian thần. Thần là nịnh thần”.

Vua Càn Long hỏi tại sao, Hoà Thân lại tiếp tục đáp: “Trung thần rồi cũng sẽ bị giết. Gian thần càng bị giết. Chỉ có nịnh thần là sống lâu nhất!”.

Khi về già, Càn Long rất mực sủng ái Đôn phi. Vị phi tần này càng được nước, trở nên ngang ngược, thường xuyên đánh mắng người hầu. Có lần, Đôn phi vì một chuyện nhỏ mà đánh chết cung nữ. Càn Long biết chuyện đã vô cùng tức giận, định phế truất nàng. Đôn phi vội tìm đến cầu cứu Hòa Thân.

Vốn hiểu tính Hoàng đế vị quan họ Hòa biết Càn Long chỉ tức giận nhất thời, liền lấy lý do Thập công chúa còn nhỏ, cần mẹ chăm sóc để khuyên nhà vua bớt giận. Nhờ câu nói ấy, Hoàng đế chỉ giáng Đôn phi xuống làm tần. Sau này, khi đã lấy lại được sự sủng ái, Đôn phi đồng ý cho con trai Hoà Thân là Phong Thân Ân Đức kết hôn với người con gái thứ mười rất được yêu quý của Càn Long là công chúa Cố Luân Hòa Hiếu. Thông qua cuộc hôn nhân với hoàng tộc, địa vị của gia tộc họ Hòa thời bấy giờ càng trở nên vững chắc.

Vào những năm cuối đời, Càn Long càng ngày càng không thích nghe những lời trung thần, thích đao to búa lớn, khoác lác khoe khoang là thập toàn lão gia, cho rằng mình có thể sánh ngang với tổ phụ Khang Hy. Hòa Thân thì hàng ngày vẫn dùng những lời đó để mê hoặc Càn Long, luôn luôn làm cho Càn Long hả hê sung sướng.

Video: Hòa Thân uốn ba tấc lưỡi biến hóa thành an.

Quốc Tiệp