Sự kiện

"Không cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng"

Cần sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, thực hiện đúng trách nhiệm trong việc triển khai quy hoạch địa phương tích hợp với quy hoạch vùng để liên kết hiệu quả.

Ngày 24/6, tại Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới".

Tại tọa đàm, lãnh đạo các tỉnh và đại diện một số sở, ban ngành, Ban Chỉ đạo, chuyên gia đã cùng đánh giá thực trạng liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ thời gian qua và thảo luận để tìm ra những giải pháp liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới, phù hợp với thực trạng phát triển các địa phương trong tiểu vùng và bối cảnh, tình hình mới.

Xây dựng cơ chế liên kết vùng hiệu quả

Thời gian qua, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 14 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch phục vụ việc tổng kết Nghị quyết 39 để có phương hướng phát triển hiệu quả hơn trong tương lai.

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng: "Cần có sự liên kết tạo thành sức mạnh tổng hợp, không cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng".

Theo ông, quy hoạch vùng hay quy hoạch tích hợp phân bổ không gian các ngành, lĩnh vực lớn, trong đó đã chỉ rõ các tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng hoặc từng vùng. Ví dụ, Ninh Thuận có thể phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo, điện gió, điện, khơi, điện mặt trời, hay Bình Thuận là phát triển về du lịch biển, nhưng Khánh Hòa lại xác định là trung tâm của tiểu vùng này, là đô thị ven biển, thành phố trực thuộc Trung ương và động lực của toàn vùng, là trung tâm nghỉ dưỡng, khám, chữa bệnh, rất khác biệt. Hay như Phú Yên lại tập trung bắt thủy hải sản...

Quang cảnh tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới".

"Cần có các cơ chế chính sách đặc thù và quan trọng phải có sự điều phối, phân bổ nguồn lực hợp lý, bao gồm ngân sách và ngoài ngân sách để phát triển", Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Ông cũng nhấn mạnh, thời gian tới tướng sẽ hướng việc quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung làm cơ sở cho các địa phương xây dựng quy hoạch vùng và làm rõ các tiềm năng, lợi thế theo các quan điểm định hướng lớn, trọng tâm, trọng điểm của quy hoạch vùng ở trên.

"Cần cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ"

Còn ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư tỉnh Khánh Hòa lại cho biết, trong thời gian vừa qua, Khánh Hòa cùng với các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ nói riêng và trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung nói chung đã có nhiều hoạt động để hợp tác liên kết và thực sự đã tạo ra những hiệu quả nhất định trong thực hiện và triển khai những quy hoạch trong việc xác định những cơ chế phối hợp trong việc tổ chức thực hiện những công việc cụ thể.

Tuy nhiên, sự liên kết vùng trong thời gian vừa qua còn một số bất cập, hạn chế.

"Trong thời gian tới, chúng tôi xác định phải rà soát lại tất cả những nội dung công tác liên kết đã triển khai để xem những việc gì đã làm được, những việc gì làm chưa được, thậm chí những việc gì cần phải loại bỏ đi vì nó không phù hợp với cơ chế, điều kiện cũng như bối cảnh mới", ông nói.

"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động làm việc với các địa phương trong tiểu vùng để xác định lại, thiết kế lại những cơ chế tham mưu với cơ quan có thẩm quyền để có những cơ chế chính sách phù hợp hơn với điều kiện, bối cảnh phát triển và cơ hội phát triển mới. Và chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với nhau để xác định những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên để hợp tác liên kết”, Bí thư tỉnh Khánh Hòa cho hay. 

Ông Nguyễn Hải Ninh, bí thư tỉnh Khánh Hòa.

Ông cho rằng cần xác định trọng tâm phù hợp với tiềm năng thế mạnh và phải phân định rõ chức năng trong việc phối hợp liên kết đó tạo thành một cơ hội phát triển cùng có lợi giữa các địa phương trong tiểu vùng và trong vùng nói chung để làm sao tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh và việc hợp tác này phải có lợi ích của từng địa phương cũng như lợi ích chung của tiểu vùng và vùng. Có như vậy việc hợp tác liên kết mới bảo đảm sự phát triển một cách hiệu quả và bền vững.

Ông Nguyễn Hải Ninh nhận thấy tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ cũng như duyên hải miền Trung có rất nhiều tiềm năng thế mạnh. "Nếu chúng ta có một cái sự điều phối, hợp tác, có cơ chế chính sách phù hợp th cơ hội bứt phá sẽ rất lớn", ông nói.

Ngoài ra, ông cho biết tỉnh Khánh Hòa muốn là phải có một cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ về những nội dung hợp tác liên kết để xem xét kịp thời, khắc phục những điểm bất cập, hạn chế, để có cách để khắc phục hiệu quả hơn hợp tác liên kết. 

Thiếu những hành lang pháp lý và công tác tổ chức

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, liên kết tiểu vùng và vùng bước đầu đã giải quyết được một số mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội và phối hợp trong đề xuất chính sách dự án vùng, liên kết vùng, góp phần thu hút và khai thác các nguồn lực cho phát triển địa phương và vùng thông qua các hội nghị vùng, hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại của vùng.

Còn việc nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng, tiểu vùng chưa thực sự hiệu quả là thiếu những hành lang pháp lý và công tác tổ chức, cơ chế liên kết chưa đủ mạnh, liên kết mới dừng lại ở cam kết và mang tính tự nguyện.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

"Việc nâng cao hiệu quả liên kết vùng không chỉ là câu chuyện của Trung ương, Chính phủ mà cần sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, thực hiện đúng trách nhiệm trong việc triển khai quy hoạch địa phương tích hợp với quy hoạch vùng", ông Trần Tuấn Anh nói.

"Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và tiếp tục tập hợp lại để phục vụ cho quá trình tổng kết Nghị quyết 39 cũng như tiếp tục thực hiện việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết khác của Đảng trong việc phát triển trong các lĩnh vực cũng như trong phát triển của vùng và phát triển của cả nước", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ, có diện tích đất liền 21.440 km2, bằng khoảng hơn 6% diện tích cả nước; là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người (bằng khoảng 4% dân số cả nước) với hơn 12 dân tộc của 4 địa phương. Tiểu vùng Nam Trung Bộ có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cũng như đối với cả nước.