Tiêu điểm thế giới

Không cần "bắn một viên đạn", Tổng thống Putin vẫn đả bại Mỹ dễ dàng: Sau S-400, Thổ Nhĩ Kỳ còn "lún sâu" vào kho vũ khí Nga?

Bằng cách bán S-400 cho một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, những lợi ích chiến lược mà hệ thống này mang lại được ca ngợi là hiệu quả mà “không cần bắn một phát đạn nào”.

Nga-Thổ đã gây dựng quan hệ chặt chẽ hơn nhờ thương vụ S-400.

Lợi ích chiến lược từ S-400

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 đã trở thành thứ vũ khí thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông kể từ khi được triển khai lần đầu tiên ở biên giới Nga cũng như trở thành món hàng đắt khách ở nước ngoài.

Hệ thống phòng không Nga tự hào về khả năng ngăn chặn đa dạng các loại mục tiêu trên không bao gồm máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, mặc dù nó chưa được chứng tỏ năng lực thực tế trên chiến trường.

Bất chấp năng lực chiến đấu chưa được kiểm chứng, S-400 vẫn đang trở thành thứ vũ khí bán chạy của Nga khi một loạt các quốc gia xếp hàng mua như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, có thể là cả Saudi Arabia và Qatar.

Tạp chí National Interest đánh giá, S-400 giống như một công cụ tác chiến kinh tế trong chiến lược “chiến tranh hỗn hợp” của Nga nhằm chống lại Mỹ và các đồng minh NATO.

Bản thân việc tăng cường chào bán S-400 cũng mang lại một loạt lợi ích chiến lược cho Nga.

Lợi ích chiến lược đầu tiên rõ ràng là nguồn lợi nhuận từ bán vũ khí. Nền kinh tế Nga đã phải xoay xở với những khó khăn do lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng như thị trường dầu nhiều biến động. Bán vũ khí công nghệ cao sẽ giúp đa dạng hóa nền kinh tế Nga khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.

Không những vậy, lợi nhuận còn giúp tái hỗ trợ các chương trình hiện đại hóa quân sự đắt đỏ của nước này.

Lợi ích chiến lược thứ hai là tăng cường uy tín và vị thế quốc tế, khiến nhiều người cảm thấy rằng Nga vẫn là một thế lực đáng gờm và có khả năng phát triển các hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ tiên tiến.

Nhiều vũ khí danh tiếng do Liên Xô chế tạo đã được xuất khẩu trên toàn cầu trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đến nay chúng vẫn còn được sử dụng ở nhiều nơi, tiêu biểu như súng trường tấn công AK-47.

Ngoài ra, Nga đang chứng minh rằng - mặc dù không còn là siêu cường - họ vẫn có thể chế tạo các hệ thống vũ khí có khả năng đe dọa máy bay tiên tiến do Mỹ và các đồng minh triển khai.

Lợi ích chiến lược thứ ba là xây dựng và củng cố mối quan hệ với các đối tác quan trọng như Trung Quốc – quốc gia hiện đang hợp tác với Nga trong một số lĩnh vực quan trọng - chưa kể đến việc cạnh tranh và lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại trên toàn cầu.

Nga và Trung Quốc từng có những bất đồng và lạnh nhạt trong quá khứ, chính vì vậy quyết định mua hệ thống vũ khí S-400 của Trung Quốc sẽ trở thành yếu tố giúp tăng cường quan hệ quân sự giữa hai quốc gia khi thương vụ sẽ bao gồm cả quá trình đào tạo nhân viên quân sự cũng như bảo trì.

S-400 là một khoản đầu tư kinh tế đáng kể đối với bất kỳ quốc gia nào và sẽ yêu cầu sự hợp tác liên tục để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả.

Lợi ích chiến lược cuối cùng chính là việc S-400 được coi là một công cụ trong chiến lược “chiến tranh hỗn hợp” của Nga.

Khái niệm “chiến tranh hỗn hợp” (Hybrid Warfare) đã được các học giả và các nhà phân tích bàn luận sôi nổi trong mười năm qua.

Các nhà phân tích phương Tây vẫn cho rằng, Nga và Trung Quốc đang sử dụng các chiến lược như vậy để chống lại Mỹ và các đồng minh, cũng như các quốc gia mà họ có thể khai thác lợi ích.

Gọi là “chiến tranh hỗn hợp” vì chúng sử dụng đa dạng các phương pháp đối đầu từ quân sự cho đến tác chiến mạng, đe dọa hạt nhân, chiến tranh kinh tế v.v…

Chiến tranh hỗn hợp của Nga

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm kiếm lựa chọn máy bay Nga sau khi bị loại khỏi chương trình F-35.

Bằng cách bán S-400 cho một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, những lợi ích chiến lược mà hệ thống này mang lại được ca ngợi là hiệu quả mà “không cần bắn một phát đạn nào”.

Trong thời gian qua, thương vụ S-400 đã tạo ra sự rạn nứt lớn trong liên minh NATO. Viễn cảnh một hệ thống do Nga chế tạo với các radar tiên tiến đang được triển khai trong lãnh thổ NATO sẽ là một chiến thắng quan trọng đối với Tổng thống Putin.

Mỹ đã bày tỏ sự bất bình cực độ trong vụ mua bán này với lời đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ cũng như loại bỏ nước này khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35.

Quyết định loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này cũng mang lại lợi ích đáng kể cho Nga vì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể tiếp tục thương vụ mua 100 chiếc F-35 từ Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột bị loại khỏi chương trình này sẽ giảm thiểu rủi ro tiềm tàng đối với tài sản của Nga trong trường hợp máy bay F-35 của NATO triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, diễn biến cũng có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng cách mua máy bay chiến đấu của Nga, do đó củng cố thêm lợi ích chiến lược cho Nga.

Từ nhiều năm, Nga vẫn được cho là có quyết tâm phá vỡ và cản trở sự gắn kết của liên minh NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chiến lược quan trọng trong liên minh này do các yếu tố vị trí địa lý và khả năng quân sự.

Đó sẽ là một chiến thắng tuyệt vời cho Nga nếu nước này có thể kéo Thổ Nhĩ Kỳ xa hơn nữa khỏi các đồng minh NATO. Thương vụ S-400 nhằm mục đích thực hiện điều này và nó đang chứng tỏ sự thành công.

Mỹ có quyền đe dọa trừng phạt và loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, nhưng phải thừa nhận rằng hành động như vậy không khác gì đưa chiến thắng vào tay Tổng thống Putin.

Ngoài cách tiếp cận “cây gậy” cứng rắn, Mỹ nên cung cấp thêm cách tiếp cận “cà rốt” hấp dẫn hơn như thỏa thuận bán hệ thống phòng không Patriot hoặc tìm cách tháo gỡ rắc rối liên quan đến chương trình F-35.

Nếu không, sau S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục "lún sâu" vào kho vũ khí Nga. Đó là viễn cảnh mà các nhà phân tích, học giả và các nhà hoạch định chính sách không thể chủ quan.