Tiêu điểm thế giới

Không bật "đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cũng bất lực trong việc khai hỏa Idlib?

Thổ Nhĩ Kỳ không thể nhận được cái gật đầu từ Nga trong việc lấp đầy khoảng trống ở Syria do Mỹ để lại. Trong khi đó Nga và chính quyền Assad cũng không thể bắt đầu cuộc tấn công Idlib như mong muốn.

Hội nghị Sochi 14/2 tiếp tục không có sự đồng thuận giữa các bên về Syria.

Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra vùng đệm ở miền Bắc Syria sau khi Mỹ rút lực lượng đã thất bại hôm 14/2, khi Nga và Iran nói tại hội nghị thượng đỉnh rằng bất kỳ khu vực nào như vậy đều cần có sự đồng ý của Damascus, đồng minh của họ.

Theo Al-Monitor, trong cuộc gặp ba bên tại thành phố Sochi của Nga, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các đối tác Nga và Iran đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria, với việc Tổng thống Vladimir Putin gọi đây là một bước đi tích cực.

Nhưng cả nhà lãnh đạo Hassan Rouhani của Iran và ông Putin đều lập luận rằng khu vực mà quân đội Mỹ bỏ trống cần phải được trả lại cho Tổng thống Bashar al-Assad. "Giải pháp chính xác duy nhất sẽ là chuyển các vùng lãnh thổ đó về dưới sự kiểm soát của Chính phủ Syria", ông Putin nói.

Về phần mình, ông Erdogan nhắc lại mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là thành lập một khu vực an toàn ở phía Nam biên giới ngăn cách lực lượng người Kurd Syria mà họ coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Nhưng khả năng Ankara có thể làm như vậy mà không cần sự ủng hộ từ các quốc gia khác là điều không chắc chắn.

“Đèn xanh” không bật cho Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đã đi đầu trong việc đàm phán để đạt được một tiến trình chính trị chấm dứt cuộc xung đột ở Syria kéo dài 8 năm qua. Nhưng sự phức tạp mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt khi làm việc với các nước có lợi ích xung đột ở Syria đã trở nên rõ ràng hơn kể từ thông báo bất ngờ của chính quyền Trump vào tháng 12 rằng Mỹ sẽ rút khỏi Syria, tạo ra khoảng trống quyền lực mà Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác sẽ cạnh tranh để lấp đầy.

Nga đang thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự chấp thuận từ Damascus trước khi tiến hành một cuộc tấn công vào Syria, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối đàm phán với Tổng thống Assad kể từ năm 2011, đồng thời đứng đằng sau hỗ trợ cho phe đối lập.

Chính quyền Tổng thống Erdogan đã làm dịu lập trường của mình trong những tuần gần đây, thừa nhận hồi đầu tháng này rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tham gia vào các khuôn khổ ngoại giao cấp thấp thông qua các cơ quan tình báo của hai nước.

Các ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển từ lật đổ chính quyền Syria để chuyển sang việc xóa bỏ các lực lượng người Kurd vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại khủng bố IS.

Tổng thống Erdogan đã nhiều lần đe dọa sẽ đưa quân sang Syria để dẹp bỏ người Kurd. Trước hội nghị thượng đỉnh, Erdogan cho biết ông muốn phối hợp với Nga về việc xây dựng vùng an toàn tách bạch người Kurd, tuy nhiên điều này đi ngược lại với mục đích đã nêu của Moscow là đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

“Nga và Iran đang cố trấn an Thổ Nhĩ Kỳ rằng an ninh của họ là một mối quan tâm thực sự, nhưng nó không đồng nghĩa với việc sẽ có một hoạt động quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ”, Marc Pierini, cựu đại sứ EU tại Thổ Nhĩ Kỳ và là học giả tại Carnegie Europe nêu quan điểm. “Không ai ở Damascus - hay Moscow hay Tehran - sẽ đồng ý với một hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đó”.

Trong khi đó, các cuộc thảo luận giữa Ankara với Washington đã thất bại trong việc đưa ra một thỏa thuận về vùng đệm do cả hai có những mục tiêu chồng chéo nhau trong những khu vực như vậy. Mỹ tuyên bố rằng họ sẽ bảo vệ người Kurd, trong khi mục đích chính của Thổ Nhĩ Kỳ là để giải phóng khu vực khỏi người Kurd.  

Tại Sochi, ông Erdogan đã bày tỏ sự thất vọng một lần nữa với tốc độ đàm phán chậm chạp của Mỹ, nói rằng các thành viên của chính quyền Trump đang tiến hành rút quân một cách từ từ và có thể sẽ chỉ thực hiện vào tháng 4 hoặc tháng 5.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã dựa vào Mỹ để kiểm soát người Kurd ở phía đông bắc Syria. Với việc có sự hiện diện của quân đội Mỹ trên mặt đất, cùng các nhà ngoại giao và tình báo – Ankara có thể nhận được sự đảm bảo về việc người Kurd không kích động ở biên giới.

“Ai có thể đảm bảo rằng Assad sẽ phục vụ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách kiểm soát người Kurd?”, chuyên gia Pierini nói với Al-Monitor. “Nếu tất cả những lực lượng này ra đi và người Kurd bị bỏ lại, chắc chắn chính quyền Assad chiếm thế thượng phong”.

Số phận Idlib vẫn để ngỏ

Thổ Nhĩ Kỳ cũng bất hòa với Iran và Nga về số phận Idlib, thành trì cuối cùng của phe đối lập. Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh một cuộc tấn công toàn diện vào tỉnh này, vì sợ rằng nó có thể giải phóng một lượng lớn người tị nạn khác vào Thổ Nhĩ Kỳ, nơi vốn đã có gần 3,6 triệu người Syria chạy trốn sang đây.

Tổng thống Erdogan đã thuyết phục người đồng cấp Putin đồng ý ngừng bắn ở Idlib vào tháng 9, hứa sẽ loại bỏ các chiến binh cực đoan thông qua ảnh hưởng của mình. Nhưng một lực lượng liên kết với al-Qaeda đã sớm củng cố được quyền kiểm soát, khiến lệnh ngừng bắn tan vỡ.

Sự kiên nhẫn của Putin dường như sắp hết và ông kêu gọi loại bỏ hoàn toàn những tên khủng bố này tại hội nghị thượng đỉnh. Dẫu vậy, phát ngôn viên của Tổng thống Nga sau đó thừa nhận rằng ba nhà lãnh đạo đã không đồng ý cho một hoạt động quân sự ở Idlib.

Iran và Nga không có đòn bẩy để buộc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận điều này. Trên thực tế, Ankara đã kiểm soát khoảng 1.500 dặm vuông lãnh thổ Syria sau khi tung ra hai chiến dịch quân sự vào năm 2016 và năm 2018, giúp nước này có nó một vị trí vững chắc tại bàn đàm phán về tương lai của Syria.

Moscow cũng muốn bán cho Thổ Nhĩ Kỳ một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể cung cấp cho các sĩ quan quân đội Nga quyền truy cập vào phần cứng của NATO.

Và Iran, dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, phụ thuộc vào nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ thương mại và chính trị. Cả Ankara và Tehran đã kề vai sát cánh nhằm đối đầu với Saudi Arabia trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, dù bất đồng nhau cả về vùng an toàn lẫn thỏa thuận tấn công Idlib, có một điều mà các nhà lãnh đạo Erdogan, Rouhani và Putin có sự đồng thuận với nhau tại hội nghị thượng đỉnh. Đó là tất cả đều hoan nghênh sự ra đi sắp tới của Mỹ ở Syria.