Quan điểm

Không bao giờ là muộn!       

Những ngày này, người dân miền Trung là hình ảnh hiện hữu trong tim mọi người dân Việt Nam.

Những người dân lam lũ  đang từng ngày từng giờ chống lại thách thức nghiệt ngã mà mẹ thiên nhiên mang đến.

Chẳng còn gì xót xa hơn khi nhìn biển nước mênh mông hoành hành nơi khúc ruột miền Trung. Những ngôi nhà ngập chìm trong nước tước đi tài sản, những vụ sạt lở cướp đi sinh mạng và những giọt nước mắt mặn chát. Tất cả để lại nỗi khắc khoải không nguôi. Ngay lúc này đây, hàng trăm tỷ đồng, hàng ngàn chuyến xe cứu trợ từ mọi miền đất nước đang hướng về miền Trung. Đây là điều cần lắm vào lúc này.

Giữa thảm họa, việc đầu tiên cần làm là giúp đỡ, động viên và xoá dịu nỗi đau. Bí cực đến đâu, nghiệt ngã thế nào,sau cơn mưa trời lại sáng. Với tinh thần tương thân tương ái đang tự hào của người Việt, những người dân nơi đây sẽ dần quay trở lại nhịp sống bình thường. Nhưng, cũng không phải quá sớm để đặt ra câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và làm sao để khắc phục?.

Con người làm tự hào vì đã làm chủ bầu trời, đang nuôi mộng lớn chinh phục không gian. Nhưng, những gì đang xảy ra ở miền Trung như một lời nhắc nhở của mẹ thiên nhiên, loài người nhỏ bé thế nào. Cơn giận dữ ấy không chừa một ai như thông điệp mạnh mẽ về việc, thiên nhiên đã bị tàn phá ra sao, khí hậu trở nên cực đoan đến nhường nào.

Những ngọn núi mất đi lớp áo, những con sông phải đổi đổi dòng vì rác, những dòng nước đen ngòm đổ ra biển,… chúng ta đã đối xử tồi với thiên nhiên như thế đó. Trước thái độ ấy, thiên nhiên đã đáp lại.

Những đoàn xe chở gỗ ngang nhiên lao trên đường, những khu rừng phòng hộ bị xâm lấn, những nhà máy thuỷ điện giăng đầy các đầu sông,… chẳng phải là điều đã được nhắc nhiều lần, nhưng… mấy người thực sự đi đến cùng để giải quyết.

Không bao giờ là muộn để thay đổi. Chúng ta luôn có ngày mai để thay đổi. Luôn có tương lai để chuyển hoá cục diện buồn của hiện tại.

Cách chúng ta không xa, có một đất nước nhỏ bé nổi danh khắp thế giới về sạch sẽ. Hãy xem họ đã và đang làm gì?

Quản lý rác thải là một phần cuộc sống hàng ngày và là một trong những thách thức gia tăng lớn nhất mà con người phải đối mặt. Singapore cũng không ngoại lệ. Chính phủ nước này đã triển khai chương trình xử lý rác thông minh kể trên từ năm 2001. Thời gian gần đây, Chính phủ triển khai thêm nhiều biện pháp chủ động nhằm giảm thiểu thách thức về rác thải, bằng cách giải quyết cả khâu phát sinh và thu gom. Hai sáng kiến nổi bật là Thỏa thuận Đóng gói Singapore và Quan hệ Đối tác tự nguyện quốc gia về tái chế rác thải điện tử.

Đảo chôn rác Semakau của Singapore. Ảnh: Reuters/Cơ quan Môi trường Singapore

Thỏa thuận Đóng gói chính là tập hợp các công ty lại với nhau và cùng cam kết giảm thiểu rác thải bao bì để không chỉ giúp giảm lượng rác thải phát sinh mà còn tiết kiệm chi phí. Tính đến tháng 7/2019, hơn 239 bên tham gia với hơn 54.000 tấn chất thải bao bì được giảm thiểu, tiết kiệm được khoảng 130 triệu đôla Singapore trong thời gian 10 năm.

Quan hệ Đối tác tự nguyện quốc gia về tái chế rác điện tử quy tụ các đối tác trong ngành nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc xử lý rác điện tử một cách an toàn.

Trong vai trò người tiêu dùng, mọi dân Singapore đều trực tiếp góp phần tạo ra rác thải ở Singapore và có thể tham gia giảm lượng rác thải với ý thức giữ gìn đất nước xanh và sạch hơn, dựa trên 3 điều: Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. (3R: Reduce, Reuse và Recycle).

Bảo vệ ngôi nhà chung là công việc không phải của riêng ai. Quá trình ấy cần một sự vận hành đồng bộ ở nhiều khâu đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người.

Chẳng gì gây đau đớn, ám ảnh hơn những mất mát tang thương xảy ra. Một lần nữa, mẹ thiên nhiên gửi thông điệp mạnh mẽ đến chúng ta. Những con sông cần thời gian để thông dòng, những cánh rừng cần thời gian để khoác lên tấm áo xanh. Vậy nên, hãy bắt tay ngay lúc này để đảm bảo tương lai cho con cháu chúng ta.

LÊ ANH