An ninh - Hình sự

Khởi tố người nuôi 14 con hổ trái phép ở Nghệ An

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam người nuôi 14 cá thể hổ trái phép ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành.

Chiều nay 11/8, nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, viện đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm".

Ngoài ra, Công an huyện Yên Thành tạm giữ bà Nguyễn Thị Định (SN 1971), xóm Phú Đô, xã Đô Thành - người nuôi 3 con hổ.

Cũng theo nguồn tin từ Viện Kiểm sát Nghệ An: "Trong 17 con hổ phát hiện nuôi ở 2 gia đình được tách ra làm hai vụ án khác nhau. Hộ nuôi 14 con do Công an tỉnh Nghệ An thụ lý. Hộ nuôi 3 con hổ còn lại do Công an huyện Yên Thành điều tra từ đầu".

Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ nuôi 14 cá thể hổ trái phép (Ảnh Vietnamnet)

Trước đó, vào ngày 4/8, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép trong nhà 2 hộ dân ở xã Đô Thành.

Chủ cơ sở thứ 1 là anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và chị Hồ Thị Thanh (SN 1990), ở xóm Nam Vực, nuôi 14 cá thể hổ đã trưởng thành.

Chủ cơ sở thứ 2 là bà Nguyễn Thị Định (SN 1971), xóm Phú Xuân, nuôi nhốt 3 cá thể hổ. Bà Định đã xây dựng hệ thống tầng hầm nuôi hổ với diện tích 120m2. Mỗi cá thể hổ ở đây nặng từ 225kg đến 265kg.

Sau khi công an tiêm thuốc mê đưa về Khu du lịch sinh Thái Mường Thanh (Diễn Châu) để chăm nuôi thì có 8 con bị chết. 9 con còn lại tuy đã hồi phục nhưng thể trạng còn yếu.

Liên quan đến việc xử lý 8/17 cá thể hổ chết sau khi bắt giữ ở 2 nhà dân tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, ông Lê Đại Thắng - Phó phòng quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: "Đây là hổ nuôi trong hầm lâu năm, nên khi vận chuyển ra khu vực khác có thể thay đổi môi trường đột ngột, dẫn đến hổ chưa thể thích nghi ngay được. Nguyên nhân chính xác vì sao hổ chết vẫn phải chờ cơ quan điều tra làm rõ".

Ông Thắng giải thích thêm: "Việc xử lý hổ chết phải chờ kết quả của cơ quan điều tra về nguồn gốc nuôi nhốt mới đưa ra được biện pháp xử lý theo thông tư 29 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước".

Về 8 cá thể hổ chết, Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đây là tang vật vụ án nên các cá thể hổ đang được bỏ vào tủ đông lạnh bảo quản để thực hiện công tác điều tra.

Chiều 9/8, ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An xác nhận, 1 trong 2 cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép có chồng làm công an bán chuyên trách (không phải công an chính quy) tại địa phương.  

Người này đã làm công an được nhiều năm nay và phụ trách địa bàn xóm nơi mình sinh sống. Cơ sở này nuôi nhốt 3 con hổ.

Min (Tổng hợp từ Vietnamnet/Giao Thông/VOV)