Môi trường

Khởi động dự án xử lý dioxin ở sân bay Biên Hoà

Sân bay Biên Hòa là nơi bị ô nhiễm dioxin nặng nề nhất Việt Nam. Khu vực này có hơn 52 ha với hơn 500 nghìn m3 đất, đá bị nhiễm chất độc da cam cần phải xử lý, tẩy độc.

Liên quan đến vấn đề xử lý dioxin ở sân bay Biên Hoà, Đồng Nai, ngày 20/4, Quân chủng Phòng không Không quân phối hợp với cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ Khởi động hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Khởi động dự án xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa.

Tại buổi lễ, đại diện bộ Quốc phòng cho biết, sân bay Biên Hòa là nơi bị ô nhiễm dioxin nặng nề nhất Việt Nam. Khu vực này có hơn 52 ha với hơn 500 nghìn m3 đất, đá bị nhiễm chất độc da cam cần phải xử lý, tẩy độc. 

Theo đó dự án xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa có tổng kinh phí hơn 390 triệu USD, được thực hiện trong khoảng 10 năm. 

Trong đó, giai đoạn 1 với kinh phí 183 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại do Chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm và vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp môi trường.

Theo cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID, năm 2016, cơ quan này hợp tác với các ngành chức năng của Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Đây là khu vực có khối lượng đất và trầm tích bị ô nhiễm dioxin cao gấp khoảng 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng. Sau đó, USAID ký thỏa thuận với bộ Quốc phòng Việt Nam cam kết tài trợ kinh phí thực hiện xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, bằng các phương pháp xử lý và cô lập như được sử dụng tại sân bay Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nói rằng, chiến tranh ở Việt Nam kết thúc đã lâu, nhưng hậu quả chất độc hóa học vẫn còn ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe con người và môi trường. Việt Nam hiện có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, gây ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ ba. Thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam – Hòa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ thực hiện nhiều hoạt động như: nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá môi trường bị ô nhiễm dioxin; thực hiện các dự án hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Việt Nam.

Tuy nhiên, do diện tích ô nhiễm dioxin ở Việt Nam rất lớn, nguồn kinh phí và công nghệ hạn chế, nên việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Tại buổi lễ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Văn phòng cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701), cũng đã ký bản ghi nhận ý định với mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật ở 7 tỉnh tại Việt Nam là: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh.