Tài chính - Ngân hàng

Khoe kim cương, sổ đỏ tính bằng cân, đất mới là “kho tiền” của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng

Không chỉ nắm trong tay khối bất động sản lớn tại Bình Dương, vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng còn sở hữu một hệ sinh thái các công ty BĐS, xây dựng và dịch vụ khác.

Bà Nguyễn Phương Hằng - vợ của ông Dũng "lò vôi" (tên thật Huỳnh Uy Dũng) liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây và trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng. 

Đặc biệt, tối 25/5, livestream của bà Hằng đã thu hút tổng cộng hơn 400.000 lượt xem trực tiếp, phá vỡ kỷ lục của các streamer đình đám trước đây.

Trước đó, bà Hằng gây chú ý khi từng khoe trên livestream rằng "kim cương và sổ đỏ tính bằng cân" và đi "những chiếc xe 40 - 50 tỷ đồng là chuyện thường" hay sẵn sàng treo thưởng 1 tỷ đồng cho người nào tìm ra danh tính antifan đăng bài bôi nhọ, nói xấu bà trên mạng xã hội.

Chưa dừng ở đó, hồi đầu tháng 5 vừa qua, báo chí thông tin, chồng bà đã đề nghị hiến tặng 4 ha đất để phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Điều đó khiến không ít người thắc mắc, vợ chồng bà Hằng giàu có cỡ nào?

Vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng. 

Sở hữu nghìn hecta đất

Bà Nguyễn Phương Hằng (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền) được biết đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc điều hành công ty Cổ phần (CTCP) Đại Nam. Sau khi ông Dũng bất ngờ thông báo việc rời khỏi thương trường để tập trung cho công việc thiện nguyện vào tháng 5/2020, ông đã giao toàn quyền điều hành doanh nghiệp cho vợ mình.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin Pháp luật, trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp thì đến tháng 2/2021, ông Dũng vẫn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của CTCP Đại Nam. Ông Dũng nắm khoảng 99,92% vốn của Đại Nam.

Ông Dũng từng tiết lộ tổng kinh phí xây dựng khu du lịch Đại Nam khoảng 6.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này nổi tiếng khi sở hữu khu du lịch Đại Nam rộng trên 450 ha và là chủ đầu tư các khu công nghiệp gồm Bình Đường, Sóng Thần 1, 2 và 3 tại tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, khu công nghiệp Sóng Thần 1 có diện tích 178 ha, hoàn thành năm 1995 với tổng vốn đầu tư 245 tỷ. Còn Khu công nghiệp Sóng Thần 2 có diện tích 313 ha, tổng vốn đầu tư 423 tỷ đồng, đang đạt tỷ lệ lấp đầy cho thuê lên đến 96,5%; khu công nghiệp Sóng Thần 3 rộng 534 ha, tổng vốn đầu tư 936 tỷ, tỷ lệ lấp đầy 67%. Đại Nam đang quản lý vận hành hai khu công nghiệp Sóng Thần 2 và 3.

Công bố trên website của doanh nghiệp, Đại Nam còn là chủ đầu tư của loạt dự án ở Bình Dương: Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An (66 ha), khu nhà ở Sóng Thần 2 (4,3 ha), khu tái định cư Sóng Thần 2, khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần (6,4 ha), khu dân cư Tân An 2, khu dân cư Đại Nam,... Điều đó có thể thấy, công ty mà bà Nguyễn Phương Hằng đang làm CEO nắm giữ khối bất động sản lớn tại Bình Dương. 

Hệ sinh thái công ty bất động sản, xây dựng và dịch vụ

CTCP Đại Nam tiền thân là CTCP Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ được thành lập năm 1996, trụ sở ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Qua 25 năm, công ty của đại gia quê Bình Định đăng ký tới 127 ngành nghề kinh doanh, trong đó kinh doanh địa ốc, nhà xưởng, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu công nghiệp (thực hiện theo quy hoạch) là chính.

Năm 2018, Đại Nam ghi nhận doanh thu ở mức 454 tỷ đồng, tăng 49 tỷ so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm 84 tỷ, tuy nhiên đã cải thiện so với cùng kỳ (âm 105 tỷ).

Năm 2019, kết quả kinh doanh công ty của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục lao dốc. Doanh thu giảm 10% về 409 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017 (405 tỷ), lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của Đại Nam âm 195 tỷ đồng, tổng tài sản công ty của vợ chồng bà Hằng là 4.475 tỷ đồng.

Ngoài CTCP Đại Nam, vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng, ông Dũng “lò vôi” còn sở hữu một hệ sinh thái các công ty bất động sản, xây dựng và dịch vụ khác nhau như công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại Nam (Xây dựng Đại Nam), công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên, công ty TNHH Hoàng gia Tân Định và công ty TNHH MTV Tân Khai. Các công ty trên đều được thành lập sau khi ông Dũng và bà Hằng kết hôn năm 2010.

Trong đó, Xây dựng Đại Nam thành lập tháng 4/2010, có ngành nghề chính là xây dựng nhà các loại. Khác với CTCP Đại Nam, 4 năm trở lại đây, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2016, doanh thu của Xây Dựng Đại Nam chỉ khiêm tốn đạt 10 tỷ thì tới năm 2019 con số này này tăng phi mã 48 lần lên 480 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận hai năm gần đây đều xấp xỉ quanh mức 15 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của Xây dựng Đại Nam đạt 860 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 49,6 tỷ đồng, nợ phải trả 810 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Tân Khai thành lập năm 2012 – công ty thành viên của CTCP Đại Nam – là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đại Nam. Dự án này có tổng diện tích 96,7 ha được đầu tư xây dựng tại xã Minh Hưng, Chơn Thành, Bình Phước.

Năm 2019, doanh thu của Tân Khai đạt 189 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với năm 2018. Trong năm này, doanh nghiệp chuyển từ khoản lỗ 7 tỷ đồng năm 2018 sang lãi 41 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tân Khai đạt 897 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 84 tỷ đồng.

Còn công ty TNHH Hoàng Gia Tân Định được thành lập năm 2017 với ngành kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Hiện ông Dũng "lò vôi" đang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tại công ty bất động sản này.

Năm 2019, doanh thu của Hoàng Gia Tân Định là 53 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2018 (23,3 tỷ đồng). Lợi nhuận năm 2019 ghi nhận gần 29 tỷ tăng 11 tỷ đồng so với năm trước đó.

Riêng Công ty TNHH Du lịch Đại Nam Thần Tiên thành lập năm 2012, đã ngưng hoạt động.