Tiêu điểm

Khó xác định việc không đóng góp tài chính là hành vi bạo lực gia đình

Theo ĐBQH, cần xác định rõ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại là tài sản chung hay riêng.

Hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, nhưng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định hành vi “có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp là một trong những hành vi bạo lực gia đình”.

Băn khoăn trên được đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) nêu ra khi Quốc hội thảo luận Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chiều 14/6.

Theo bà Thư, điều 4 Dự thảo Luật quy định 17 hành vi bạo lực gia đình, một trong số đó là "có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ".

Băn khoăn về quy định này, đại biểu Thư phân tích: Trong thực tiễn hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, ai là người đóng góp chính, phải đóng góp như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho gia đình, những thành viên trong gia đình phải đóng góp là những ai?

Đại biểu Lý Anh Thư (Ảnh: Quochoi.vn).

Do đó, theo nữ đại biểu, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.

Ngoài nội dung trên, đại biểu Thư còn góp ý về quy định trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình. Khoản 4, Điều 12 Dự thảo Luật quy định: Người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đại biểu, quy định này đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, bà cho rằng, cần xác định rõ những người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại này là tài sản chung hay tài sản của riêng?

Cũng tham gia thảo luận, đại biểu Chau Chắc (đoàn An Giang) khẳng định, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, không bạo lực là nền tảng để xây dựng xã hội văn minh tiến bộ.

Đại biểu Chau Chắc (Ảnh: Quochoi.vn).

Sau 15 năm thực hiện Luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nhiều vụ việc bạo lực gia đình, mức độ gây nguy hại nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp, nếu không kịp thời ngăn chặn bạo lực sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, suy yếu động lực phát triển bền vững của đất nước.

Tại điểm b khoản 1 Điều 4 về hành vi bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ hoặc cố ý làm hư hỏng vào sau từ hủy hoại, trình bày là “chiếm đoạt, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của gia đình”.

Tại điểm b khoản 2 Điều 10 đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của thành viên gia đình không chỉ là đưa người bị không chỉ là đưa người bị bạo lực gia đình đến cơ sở y tế hoặc đến nơi an toàn mà phải cứu chữa người bị bạo lực.

Bổ sung vào Điều 11 dự thảo Luật về quyền và trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với trường hợp người bị bạo lực là trẻ em, người già yếu, người được giám hộ không đủ khả năng tự thực hiện những quyền và trách nhiệm.