Tài chính - Ngân hàng

Khó khăn bủa vây Dệt may Thành Công

Đối mặt với nguy cơ chung của ngành dệt may khi dịch bùng phát trở lại, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm đáng kể.

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) mới công bố kết quả kinh doanh tháng 7/2021 với doanh thu đạt hơn 14 triệu USD (gần 331 tỷ đồng), giảm 3% so với cùng kỳ 2020. Khoản lãi sau thuế cũng chỉ đạt gần 673.000 USD, tương đương 15 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu 2.182 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 132 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 53,3% kế hoạch doanh thu và 46,7% mục tiêu lợi nhuận năm.

Chi tiết cơ cấu doanh thu năm nay, Dệt may Thành Công cho biết, không có đơn hàng vải kháng khuẩn nên doanh thu vải chiếm 15% tổng doanh trong khi năm ngoái mảng vải chiếm 21%.

Doanh thu mảng sợi năm nay được cải thiện hơn năm ngoái và chiếm khoảng 10% tổng doanh thu trong khi năm ngoái doanh thu mảng sợi chiếm 7% tổng doanh thu.

Theo ban lãnh đạo công ty, dịch bệnh phức tạp, công ty áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ" nên năng suất lao động giảm, kéo theo biên lợi nhuận gộp thấp hơn cùng kỳ.

7 tháng đầu năm nay, Dệt may Thành Công ghi nhận lãi sau thuế đạt 132 tỷ đồng, giảm 6%.

Phía Dệt may Thành Công cũng nhận định, dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực có số lượng lớn doanh nghiệp dệt may đang hoạt động cũng khiến ngành dệt may chật vật trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời chi phí logistics của Việt Nam đang rất cao, chiếm 9,3% giá thành sản phẩm ngành dệt may đặc biệt là chi phí thuê container rỗng.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, giá thuê container hiện đã tăng gấp 3 đến 4 lần so với năm ngoái. Đó là chưa kể, hàng loạt đơn hàng sản xuất ra gần đây vì thiếu container xuất khẩu dẫn tới ách tắc lưu thông, chậm tiến độ giao hàng cho đối tác, khách hàng.

Dù chưa nhiều doanh nghiệp dệt may công bố tài chính tháng 7, song theo nhận định chung, doanh nghiệp nhóm ngành này đã chịu ảnh hưởng lớn bởi tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhất là hầu hết doanh nghiệp phía Nam.

Khi làn sóng dịch lần 4 bùng phát, dệt may Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức lớn như gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, khan hiếm vỏ container, cước vận chuyển quốc tế tăng vọt...

Một thực tế đang cho thấy, hiện có trên 80% doanh nghiệp dệt may giảm năng suất hoặc phải dừng để phòng dịch, hoạt động sản xuất bị đứt gãy.

Doanh nghiệp dệt may đối diện với nhiều thách lớn về chuỗi cung ứng khi dịch bùng phát trở lại.

Trong cuộc trao đổi với Người Đưa Tin gần đây, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp dệt may lúc này là áp lực giao hàng trong khi chuỗi cung ứng đang đứt gãy. Đơn hàng không được đáp ứng sẽ ảnh hưởng và kéo dài sang cả năm sau.

Nói về việc vận chuyển nguyên vật liệu của các đơn hàng ra khu vực phía Bắc để hỗ trợ, ông Giang nói điều này không quá khả quan, ảnh hưởng đến chi phí vận tải và thời gian giao hàng. Ngoài nguồn cung ứng, vị Chủ tịch Vitas còn lo lắng về tình trạng thiếu hụt nguồn lao động rất nghiêm trọng trong thời gian tới.

“Có lao động đã nhiễm virus, lao động rời thành phố về địa phương tránh dịch. Khả năng họ quay lại sau khi thành phố đẩy lùi được dịch bệnh chỉ đạt 65%”, ông đánh giá.

Theo dự báo của Vitas, khó khăn với doanh nghiệp dệt may sẽ gia tăng, ảnh hưởng trực diện tới nhịp sản xuất của toàn ngành. Tăng trưởng lợi nhuận của ngành này có thể sẽ chậm lại do dịch Covid-19 những tháng cuối năm 2021.

Trong báo cáo đánh giá của công ty Chứng khoán VnDirect về ngành dệt may mới công bố cũng cho hay, đợt dịch thứ 4 khiến nhiều tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Song dù đối điện với nhiều thách thức lớn, nhưng cơ hội cho ngành dệt may là vẫn có, từ việc giành thị trường từ đối thủ.

“Nhiều quốc gia được coi là "đối thủ cạnh tranh trực tiếp" của dệt may Việt Nam như Ấn Độ, Myanmar cũng đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19, khiến các nhà máy may mặc chỉ hoạt động 50% công suất hoặc đóng cửa… Những tác động tiêu cực từ tình hình chính trị và dịch bệnh đối với Myanmar và Ấn Độ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc”, báo cáo của VnDirect nêu.