Xu hướng thị trường

“Khó” của ngành lúa gạo: Giá trị chưa cao, thu nhập còn thấp

Với những hạn chế chưa được khắc phục của ngành lúa gạo, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nhiều yếu tố ngành hàng đang đặt ra.

Nằm trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững” đã được tổ chức với mục đích nhận diện hiện trạng và định hình chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.

Qua đó, định hướng xây dựng, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên thị trường lúa gạo thế giới.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao. 

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT).

Diện tích có xu hướng giảm nhưng năng suất, chất lượng ngày càng tăng, giá trị xuất khẩu gạo cũng được tăng lên. Ngành hàng sản xuất lúa gạo đã tạo ra việc làm, sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân, sản lượng gạo xuất khẩu luôn được giữ vững và tăng thêm.

Tuy nhiên, ông Tùng chỉ ra, nhiều hạn chế của ngành hàng lúa gạo vẫn chưa được khắc phục triệt để, như sản xuất còn nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao. Khối lượng gạo xuất khẩu lớn, nhưng giá trị chưa cao, thu nhập người trồng lúa còn thấp. Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được triển khai sẽ giải quyết nhiều yếu tố mà ngành hàng lúa gạo đang đặt ra.

Về vai trò của các thành tố trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam nêu quan điểm: “Chuỗi ngành hàng lúa gạo luôn là vấn đề phức tạp, đặc biệt là ở Việt Nam. Với diện tích sản xuất lớn, sản lượng lúa gạo xuất khẩu nhiều, không gian và các thành tố trong chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam rất lớn và phức tạp, để hoạt động nhịp nhàng rất khó”.

Theo ông Bổng, chuỗi ngành hàng luôn có nhiều cấp độ, trong đó cấp độ ngắn nhất, hiệu quả nhất chính là từ người nông dân đến thẳng nhà máy chế biến. 

“Ở Việt Nam hiện nay cũng đã có một số doanh nghiệp như Lộc Trời, Trung An xây dựng các chuỗi ngành hàng lúa gạo có thể gọi là ngắn. Tuy nhiên chúng ta chưa thể bao phủ ngay cấp độ ngắn này cho 4,3 triệu ha đất lúa. Cần nhận thức đa dạng, nâng cấp dần dần và phải xác định sự liên kết rất quan trọng”, ông Bổng nói.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn (bên trái) và Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo (bên phải).

Tôi cho rằng liên kết quan trọng nhất trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vẫn phải là giữa nông dân với nông dân. Bởi vì khi người nông dân liên kết được với nhau thì từ đó sẽ liên kết được với doanh nghiệp. 10 triệu nông dân mà ai cũng cá thể thì không thể xây dựng được chuỗi giá trị, liên kết từ nông dân trước rồi liên kết chuỗi khác.

Đại diện ý kiến doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo mà doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là nguồn tiền để mua lúa khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp phải xoay sở để có đủ nguồn tiền rất lớn để mua hết sản lượng lúa trong vùng nguyên liệu liên kết.

Theo ông Thuận, hiện nay mỗi năm Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang thị trường Philippines khoảng 700.000 tấn gạo. Từ đó, ông Thuận đề xuất phía Philippines có thể hợp tác, lập công ty tài chính để cung cấp vốn cho chuỗi liên kết lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời, sau đó nhận lại bằng nguồn gạo nhập khẩu.

Muốn tạo thành chuỗi được thì phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân. 

Doanh nghiệp là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân sản xuất và cung cấp lúa nguyên liệu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến và cung ứng ra thị trường. Muốn tạo thành chuỗi được thì phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân. 

“Cùng nhau chia sẻ lợi ích từ chuỗi lúa gạo cách hợp lý, để nông dân đồng hành gắn bó lâu dài. Đảm bảo chất lượng, uy tín thương hiệu để giữ được thị trường đang xuất khẩu ổn định”, ông Thuận nói.

Đưa ra những kiến nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời mong muốn, tổ chức liên kết sản xuất chặt chẽ, gắn quy hoạch diện tích trồng lúa với các nhà máy chế biến để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi canh tác và chế biến lúa gạo. 

Bên cạnh đó, ông Thuận đề xuất, chương trình bảo vệ môi trường phải là sự phối hợp chung của cả nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng nông dân. Đề nghị ban hành quy định về bảo vệ môi trường trong canh tác lúa. Bao gồm lượng giống sử dụng không được vượt quá 100 kg/ha, lượng phân bón hóa chất, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất và quy định xử phạt đối với gạo có dư lượng hóa chất cao hơn quy định.