Đời sống

Kho báu kỳ lạ bên trong ngôi mộ chiến binh 2.400 năm

Các nhà khoa học Nga đã tìm thấy nhiều đồ tùy táng được chế tác công phu, độc nhất vô nhị trong ngôi mộ của một chiến binh Scythia cổ đại.

Theo Heritage Daily, nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Khảo cổ học thuộc Học viện Khoa học Nga (RAS) đã tìm được một khu nghĩa trang cổ đại độc đáo mang tên Devitsa V, bao gồm 19 gò chôn cất. 

Trong đó, gò chôn cất số 7 đã khiến các chuyên gia kinh ngạc từ cách ngôi mộ cổ được xây dựng, người an nghỉ bên trong lẫn những đồ tùy táng quý giá mà người ta đã chuẩn bị cho nhân vật này.

Cụ thể, tại gò số 7 ở trung tâm nghĩa trang có một ngôi mộ bằng gỗ được xây dựng với 17 cột gỗ sồi lớn, được bao phủ bởi một nửa dầm gỗ sồi. Ngôi mộ chứa hài cốt của một nam chiến binh Scythia ở độ tuổi 40, qua đời vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên.

Số đồ tùy táng trong mộ là cả một kho báu lớn bao gồm: Nhiều phiến vàng nhỏ hình bán cầu chưa xác định được công dụng; một con dao sắt tinh xảo; một xương sườn ngựa; một mũi tên và 3 mũi lao; dây nịt ngựa; 6 đĩa đồng khắc họa hình sói; xương hàm cắt từ một con gấu non; một chiếc cốc đúc; một số bình gốm tráng men đen... Sườn ngựa có lẽ là phần còn lại của một món ăn nghi lễ.

Mặc dù nghĩa địa đã bị những kẻ trộm mộ cổ đại lấy đi hầu hết các kho báu nhưng ngôi mộ của nam chiến binh dường như không bị mộ tặc “hỏi thăm” do một phần mái của nó bị sập xuống, giúp bảo vệ những thứ bên trong khỏi bàn tay kẻ cướp.

Dải trang trí bằng bạc được chạm khắc tinh xảo bên trong ngôi mộ 2.400 năm. Ảnh: RAS

Trong số đồ tùy táng đáng chú ý nhất là một dải trang trí bằng bạc có độ tinh xảo khó tin, kích thước 34,7 cm x 7,5 cm, mô tả một số vị thần bao gồm nữ thần ái nam ái nữ Artimpassa, biểu tượng của chiến tranh, sinh sản, quyền lực và thực vật. Mặt trái của món đồ được trang trí các sinh vật hoang dã đang đứng với tư thế đặc biệt, gắn với 2 khóa tròn mô tả một người đội vương miện và nhiều hình ảnh trang trí tinh xảo khác.

“Khám phá này đã góp phần quan trọng giúp chúng tôi hiểu thêm về tín ngưỡng Scythia. Thứ nhất, một số vị thần cụ thể được mô tả cùng một lúc trên một vật phẩm. Thứ hai, nó là ví dụ đầu tiên về một vật thể mô tả các vị thần được tìm thấy cách xa các trung tâm chính của người Scythia”, Giáo sư Valeriy Gulyaev, thành viên đoàn khảo cổ, cho biết.

Người Scythia là một dân tộc du mục cưỡi ngựa cổ đại sống chủ yếu ở khu vực ngày nay là miền nam Siberia - trong khu vực bao gồm các thảo nguyên Á-Âu của Kazakhstan, thảo nguyên Nga thuộc các vùng Siberia, Ural, Volga và miền Nam, và miền đông Ukraine - từ 900 đến 200 năm trước Công nguyên. Nền văn minh Scythia vốn là một nền văn minh chiến tranh, nổi tiếng với những người đàn ông và cả phụ nữ vô cùng thiện chiến, anh hùng.

Vì là một dân tộc du mục, người Scythia không xây dựng thành phố nào và không để lại các tài liệu lịch sử. Những ngôi mộ được xây dựng công phu của các nhà lãnh đạo người Scythia là nguồn thông tin chính về nền văn minh của họ.

Người đã khuất thường được chôn cùng rất nhiều đồ trang sức bằng vàng, kim khí trang trí tinh xảo, vũ khí và các vật dụng khác để đi cùng họ sang thế giới bên kia. Những món đồ tùy táng này có ý nghĩa rất lớn trong việc tái tạo lại các khía cạnh của nền văn hóa hấp dẫn của người Scythia.

Minh Hoa (t/h)